Căn cứ quân sự và tàu khách ở Mali bị tấn công, hơn 100 người thiệt mạng

08/09/2023, 17:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngoài các binh sĩ, có gần 100 người khác, bao gồm dân thường và các tay súng, thiệt mạng trong vụ tấn công vào một căn cứ quân sự và tàu chở khách.

Căn cứ quân sự và tàu khách ở Mali bị tấn công, hơn 100 người thiệt mạng - 1

Chính phủ lâm thời Mali do Đại tá Assimi Goita lãnh đạo. Ảnh: Reuters

Al Jazeera ngày 7/9 dẫn lời quân đội Mali cho biết, các tay súng đã tấn công một căn cứ quân sự và một tàu chở khách ở phía bắc Mali, khiến 15 binh sĩ và ít nhất 49 dân thường thiệt mạng. Khoảng 50 tay súng bị quân đội Mali hạ gục trong 2 vụ tấn công riêng biệt. 

"Vào khoảng 11h ngày 7/9, các tay súng khủng bố đã tấn công một tàu chở khách của công ty COMANAV đang di chuyển trên sông Niger, thuộc vùng lãnh thổ Rarhous, miền trung Mali", quân đội Mali tuyên bố trên mạng xã hội. 

Trong một tuyên bố, COMANAV cho biết, "ít nhất 3 quả rocket đã bắn trúng các động cơ của tàu chở khách". 

Khi con tàu không thể di chuyển trên sông, các quan chức quân đội đã nỗ lực sơ tán hành khách vào bờ. Sông Niger là tuyến đường giao thông quan trọng trong khu vực, nơi tương đối ít cơ sở hạ tầng đường bộ. 

Cũng trong ngày 7/9, một căn cứ quân sự ở vùng Gao của Mali cũng bị các tay súng tấn công khủng bố, khiến 15 binh sĩ thiệt mạng. Quân đội Mali cho biết đã đáp trả và tiêu diệt nhiều tay súng khủng bố. Chưa có thông tin về thiệt hại tại căn cứ quân sự này. Chính quyền quân sự Mali tuyên bố 3 ngày quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân. Theo Guardian, một nhóm vũ trang có liên kết với al-Qaeda đã nhận trách nhiệm về 2 vụ tấn công.

Căn cứ quân sự và tàu khách ở Mali bị tấn công, hơn 100 người thiệt mạng - 2

Binh sĩ Mali ở vùng Gao. Ảnh: Getty

Mali nằm ở vùng Sahel (phía nam sa mạc Sahara), nơi chứng kiến bạo lực gia tăng trong thập kỷ qua, bao gồm cả bạo lực từ các nhóm vũ trang có liên kết với các tổ chức khủng bố khét tiếng al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). 

Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về tình hình này ở vùng Sahel, đồng thời cho biết, "sự gia tăng mạnh các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các mục tiêu quân sự và dân sự" dẫn đến các hậu quả nhân đạo "đáng báo động". 

Sự bất ổn ở Mali phần lớn xảy ra sau cuộc xung đột năm 2012, chứng kiến phe nổi dậy ở phía bắc đất nước đòi ly khai. Một cuộc đảo chính quân sự vào cuối năm đó đã lật đổ chính phủ dân sự. 

Kể từ đó, Mali tiếp tục trải qua thêm 2 cuộc đảo chính: một vào năm 2020 và một vào năm 2021. Một thỏa thuận hòa bình ký năm 2015 được cho là một nỗ lực dập tắt các cuộc nổi dậy ở miền bắc của chính phủ Mali, nhưng sự hỗn loạn trong chính phủ đã khiến thỏa thuận này trở nên mong manh, tạo điều kiện cho các cuộc đụng độ tiếp diễn giữa các nhóm vũ trang. 

Ngoài vị trí là nước láng giềng, Mali còn là đồng minh quân sự của Niger, quốc gia Tây Phi trải qua đảo chính quân sự cuối tháng 7. Một số chuyên gia lo ngại rằng, cuộc khủng hoảng ở Niger sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình chống khủng bố trong khu vực Sahel khi chính quyền quân sự yêu cầu Pháp rút quân, trong khi hạn chế phần nào hoạt động ở các căn cứ có binh sĩ Mỹ đồn trú.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Căn cứ quân sự và tàu khách ở Mali bị tấn công, hơn 100 người thiệt mạng