Mặc dù, Chính phủ có quy định các bộ, ngành, địa phương phải có quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, tổng hợp và phân tích nhu cầu nguồn nhân lực từng nhóm ngành nghề của địa phương để công tác đào tạo của các trường đại học gần và sát với nhu cầu thực tế hơn. Tuy vậy, theo đại diện Bộ GD&ĐT, gần như các trường đại học rất khó tìm được số liệu này để thay đổi chương trình đào tạo và thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động và yêu cầu mới.
Theo ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, chính việc thiếu sự “khớp nối” giữa nhu cầu thật và đào tạo đã khiến cho một thời hai hoạt động này không tìm được tiếng nói chung khiến cho sinh viên tốt nghiệp nhiều ngành nghề không tìm được việc làm, dẫn đến tình trạng dư thừa lao động một cách cục bộ.
Sinh viên HUTECH tìm kiếm việc làm tại Ngày hội kết nối doanh nghiệp và việc làm do trường tổ chức. |
Để giải quyết vấn đề này, TS Phạm Như Nghệ cho biết từ 2016, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học hằng năm khảo sát và báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên trong vòng 12 tháng sau khi được công nhận tốt nghiệp. Kết quả khảo sát phải cập nhật được sinh viên có làm đúng với ngành nghề đào tạo hay không, mức lương thực nhận có duy trì và ổn định hay không? Bộ GD&ĐT sẽ hậu kiểm rồi từ đó mới giao trường xác định chỉ tiêu đào tạo.
Đánh giá về hoạt động hợp tác doanh nghiệp với trường đại học, cũng như thúc đẩy hiệu quả việc làm cho sinh viên từ hoạt động kết nối này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, các trường đại học cần nâng cao chất lượng hợp tác với doanh nghiệp ở mọi mặt ngay từ đầu. Kể từ lúc xây dựng chương trình đào tạo các doanh nghiệp phải được tham gia góp ý. Khi triển khai đào tạo các trường cũng phải gắn kết chặt chẽ trong việc hợp tác sử dụng phòng thí nghiệm cho sinh viên tiếp xúc thực tế, thực tập.
Theo Thứ trưởng, các hoạt động hợp tác, kết nối ban đầu giữa nhà trường – doanh nghiệp thời gian qua khá tốt. Nhưng cái chính là sự kết nối này chưa sâu và bền vững theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Bởi thực tế hoạt động hợp tác doanh nghiệp trong nghiên cứu ứng dụng chuyển giao và hỗ trợ khởi nghiệp chưa mạnh. Việc nghiên cứu chuyển giao và thành lập doanh nghiệp của các trường đại học hiện vẫn còn hạn chế. Chính hai “điểm nghẽn” trên chưa được giải quyết đồng bộ nên hoạt động hợp tác doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra việc làm đúng chuyên môn đào tạo vẫn chưa như kỳ vọng.
Hiện trạng tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp ở các trường cao ngất ngưởng là có thật. Các con số này tới nay vẫn chưa có một bộ công cụ hậu kiểm chính xác nhất. Vì vậy, theo TS Lê Lâm - Chủ tịch HĐQT Hệ thống Giáo dục Đại Việt, để các con số công bố thực chất, thỏa mãn lòng tin của xã hội ở tầm vĩ mô, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH cần xây dựng dữ liệu về thực trạng việc làm sinh viên sau tốt nghiệp.
Bộ dữ liệu này có thể bao gồm các chỉ số: Tỉ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 12 tháng sau tốt nghiệp, làm đúng chuyên ngành được đào tạo, mức thu nhập bình quân, loại hình tổ chức/công ty đang làm việc, mức độ hài lòng với công việc hiện tại...
“Việc quan trọng nhất bây giờ theo tôi là cần sớm thành lập một đơn vị tổ chức khảo sát bộ dữ liệu này. Đơn vị đó có thể do chính bản thân trường đại học lập ra, tuy nhiên, tốt hơn cả nên do cơ quan chức năng có thẩm quyền (Bộ GD&ĐT, Tổng cục Thống kê hoặc Bộ LĐ-TB&XH) hoặc các đơn vị dân sự như hiệp hội các trường đại học, công ty về giới thiệu việc làm lập ra.
Khi chúng ta có được bộ thang đo, dữ liệu chung, một đơn vị hậu kiểm độc lập, với các chỉ số được minh bạch rõ ràng (bất cứ ai cũng có thể xem được) nó sẽ giúp cho sinh viên tham khảo và biết bức tranh “định lượng” về ngành, nghề tương lai mà mình định chọn sẽ như thế nào. Với các nhà khoa học, bộ dữ liệu này sẽ là “chất liệu” tốt cho họ đưa ra dự báo, phân tích về thực trạng giáo dục, vấn đề việc làm cho các nhà hoạch định chính sách và sinh viên tham khảo để điều chỉnh xu hướng đào tạo”, TS Lê Lâm nói.
Năm 2021, khảo sát 130 cơ sở đại học, bình quân mỗi trường đại học chúng tôi thấy có hợp tác tới hơn 60 doanh nghiệp khác nhau. Nhưng hiệu quả hợp tác chưa cao, chủ yếu chỉ dừng lại ở việc các trường liên hệ doanh nghiệp đưa sinh viên đến thực tập. Các doanh nghiệp thường kêu thời lượng học lý thuyết nhiều thực hành ít nên khi ra trường thường sinh viên không tiếp cận được các yêu cầu của doanh nghiệp. - TS Phạm Như Nghệ