Thời sự

'Cần phương án cứu nạn cho tầng cao chung cư'

14/08/2024 14:38

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thang chữa cháy chỉ với tới tầng 15, trong khi hầu hết chung cư đều trên 20 tầng là bất cập trong công tác cứu nạn, cứu hộ.

Sáng 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói dự thảo quy định nhiều nội dung về phòng cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, song chưa cụ thể với chung cư cao tầng trong khi đây là loại hình nhà ở thường xảy ra cháy nổ, nhất là tại Hà Nội và TP HCM.

Theo ông Mẫn, hầu hết thang chữa cháy chỉ có thể với tới nhà 15 tầng nhưng chung cư đều được cấp phép trên 20-25 tầng nên khi xảy ra cháy nổ thì thang không đủ cao để cứu nạn, cứu hộ. Bên cạnh đó, ý thức phòng cháy, chữa cháy của người dân còn yếu. "Nhiều người nấu nướng, thờ cúng, sử dụng hệ thống điện rất bất cẩn, đề nghị các cơ quan nghiên cứu, làm rõ thêm quy chuẩn phòng cháy đối với nhà chung cư", ông nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu sáng 14/8. Ảnh: Media Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu sáng 14/8. Ảnh: Media Quốc hội

Dẫn kinh nghiệm quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói các tòa nhà trên 20 tầng thường được bố trí một tầng kỹ thuật để người dân ở các tầng trên di chuyển xuống trong trường hợp có sự cố. Do chưa có phương tiện hiện đại như trực thăng chữa cháy, ông Thanh cho rằng dự luật cần bổ sung quy định cụ thể phòng ngừa sự cố với nhà cao tầng.

"Cũng cần tính đến biện pháp an toàn cháy nổ cho chung cư, như lối vào cho xe chữa cháy, đường nước chữa cháy", ông Thanh đề xuất.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đánh giá dự luật chưa giải quyết được những bất cập về quy chuẩn phòng cháy đối với những chung cư hiện hữu. Khi giám sát về phòng cháy, chữa cháy, Thường vụ Quốc hội nhận thấy số cơ sở vi phạm ngày càng tăng lên. Báo cáo của Bộ Công an cũng cho thấy lực lượng chức năng mới chỉ xử lý được 1.487 công trình/7.187 công trình ở 35 địa phương. Chỉ 2.964 công trình/11.007 công trình chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy nhưng đã đưa vào sử dụng được khắc phục.

"Hàng chục tòa nhà ở khu HH Linh Đàm không biết khắc phục thế nào. Người dân ở đây nói ngày nào cũng có báo cháy", ông Giang nói.

Khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Theo dự thảo, nhà ở phải bảo đảm điều kiện về chữa cháy, thoát nạn như phương tiện chữa cháy phù hợp với khả năng; lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp. Nhà nước khuyến khích hộ gia đình lắp đặt thiết bị báo cháy và kết nối với hệ thống truyền tin báo sự cố.

Với nhà ở kết hợp kinh doanh, chủ hộ phải ngăn cách khu vực kinh doanh với khu vực để ở; không bố trí gian phòng ngủ xen kẽ trong khu vực kinh doanh; có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị báo rò rỉ khí cháy, khí độc; lối thoát nạn phải được ngăn cháy lan với khu vực kinh doanh.

Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp tháng 10.

Bài liên quan
Lời kể của người hùng cứu nạn nhân vụ sạt lở kinh hoàng ở Lào Cai
Lúc đó, nước lũ có thể tiếp tục ập xuống, rất nguy hiểm. Nhưng thời khắc như vậy, mình không nghĩ được nhiều, chỉ biết cứu người là trên hết”, anh Xòng Xeo Vũ (29 tuổi) chia sẻ tình huống cứu người trong trận lũ quét kinh hoàng vừa qua tại thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc (Bắc Hà, Lào Cai).

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Cần phương án cứu nạn cho tầng cao chung cư'