Cần quy định rõ hơn về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

Vân Anh | 14/03/2023, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bộ GD&ĐT đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2014/NĐ-CP về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Điểm mới của dự thảo là quy định rõ hơn về độ tuổi của đối tượng phổ cập giáo dục tiểu học. Cụ thể, theo dự thảo, đối tượng phổ cập giáo dục tiểu học là trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 14, tính đến trước ngày 1/7/2020 chưa hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học. Đối tượng xóa mù chữ là những người trong độ tuổi từ 15 đến 62 chưa biết chữ.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ về tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 đối với xã: Có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 đến 35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1. Tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 đối với xã là có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 đến 62 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.

Đồng bộ với Luật Giáo dục

Đồng ý với những thay đổi của dự thảo, ông Đào Anh Tuấn- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kim Bôi (Hòa Bình) cho biết: Những quy định mới là hợp lý để đồng bộ với Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực vào ngày 1/7/2020 và Luật Lao động năm 2019 có hiệu lực vào ngày 1/1/2021. Những quy định mới của dự thảo như hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cũng phù hợp với thực tế hiện nay.

Năm 2022, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của huyện Kim Bôi đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả. Trong đó, trọng tâm là việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ giáo viên, làm tốt công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ gắn với đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục.

Hiện nay, Kim Bôi có 60 trường học, với tổng số trên 27.300 học sinh và trên 2100 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục, huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tập trung đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá ở các cấp học; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất.

Tính đến tháng 11/2022, 17/17 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, 100% giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt chuẩn trình độ đào tạo,các phòng, lớp học kiên cố đảm bảo đủ đồ dùng đồ chơi cho trẻ. Đối với bậc tiểu học, huy động được 100% trẻ có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục, 17 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

Đối với bậc THCS, tỷ lệ huy động người có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt trên 99%, tỷ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-18 đang học THPT, giáo dục thường xuyên giáo dục nghề nghiệp đạt 87,5%, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Toàn huyện có 17 xã thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Cần quy định rõ hơn về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ảnh 1

Hà Nội đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.

Bổ sung phù hợp

Theo bà Nguyễn Thị Diệp Hồng - Trưởng phòng GDTX (Sở GD&ĐT Hà Nội), những thay đổi của dự thảo nghị định là phù hợp. Cụ thể, đối với tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, đối với xã phải có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 - 35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1. Đối với xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 - 25 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1.

Về hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ gồm: báo cáo quá trình thực hiện và kết quả phổ cập giáo dục hoặc xóa mù chữ kèm theo các biểu thống kê; biên bản kiểm tra phổ cập giáo dục hoặc xóa mù chữ của huyện đối với xã; quyết định công nhận xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục hoặc xóa mù chữ.

Dự thảo mới bổ sung thêm, đối với trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo không chia thành các đơn vị hành chính cấp xã, tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở mức độ nào áp dụng theo tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của cấp xã ở mức độ đó.

Hà Nội là 1 trong 10 tỉnh, thành phố đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2013; là đơn vị đầu tiên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2000. Hà Nội được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 vào năm 2001, đạt mức độ 2 vào năm 2018, đạt mức độ 3 vào cuối năm 2022.

Bài liên quan
Cần chính sách đặc thù trong Luật Nhà giáo và phổ cập giáo dục trẻ mẫu giáo
Ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên mong muốn sẽ có những chính sách đặc thù, phù hợp với địa phương trong Luật Nhà giáo và Đề án Phổ cập giáo dục trẻ mẫu giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần quy định rõ hơn về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ