- Theo ông, đâu là nguyên nhân của những bất cập, hạn chế nói trên?
- Về nguyên nhân, trước hết do công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên từ cấp chiến lược đến địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật.
Chương trình GDPT 2018 quy định cấp tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày; thêm một số môn học mới, bắt buộc (tiểu học từ lớp 3 bắt buộc học Tin học, Ngoại ngữ; THPT thêm 2 môn Nghệ thuật, Âm nhạc trước đây chỉ là những môn tự chọn, học thêm), thêm tiết học giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời. Nguồn tuyển tại địa phương bị hạn chế do thực hiện chuẩn được đào tạo mới theo Luật Giáo dục 2019. Sức hút nghề giáo chưa cao vì thu nhập của giáo viên thấp hơn ngành nghề khác. Phân cấp chưa sát thực tế hoạt động đội ngũ.
Chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều địa phương được thực hiện cơ học. Một số địa phương không tuyển dụng mới giáo viên để thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế.
Việc cho phép học sinh chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp là bước tiến của chương trình mới, phân hóa dần ở bậc phổ thông. Tuy nhiên, điều này đặt ra cho các trường bài toán khó trong khâu tổ chức, sắp xếp giáo viên giảng dạy lựa chọn không cân đối giữa các nhóm môn học dẫn đến tình trạng giáo viên môn này quá tải về số tiết, còn giáo viên môn khác không bảo đảm số tiết theo quy định dẫn tới thừa - thiếu cục bộ giáo viên.
Thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng thấp. Theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, năm học 2022 - 2023 có 13.437 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành Giáo dục; trong đó, số giáo viên công lập nghỉ việc là 9.295 người, số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 4.142 người.
Giờ học tại Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: NTCC |
- Có giải pháp nào để khắc phục những bất cập, hạn chế nói trên?
- Với thực tiễn nêu trên, tôi xin đề xuất một số giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, xây dựng luật riêng về nhà giáo. Việc ban hành đạo luật riêng về nhà giáo nhằm quy định tổng thể các vấn đề cơ bản, quan trọng nhất liên quan đến nhà giáo tạo khung pháp lý đồng bộ, toàn diện, có giá trị pháp lý cao phản ánh đặc thù nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo. Cách làm này vừa thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với đội ngũ nhà giáo, vừa thuận lợi cho việc quản lý, xây dựng đội ngũ nhà giáo, đồng thời tránh được hạn chế cơ bản của hệ thống văn bản hiện hành.
Đây là đạo luật có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng riêng, độc lập tương đối và có quan hệ với các đạo luật khác. Luật này quy định về nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, phải căn cứ vào quy định mục tiêu, chương trình, cơ sở giáo dục… để quy định vị trí, yêu cầu, quản lý… nhà giáo. Cần có quy định cụ thể, sâu sắc về yếu tố quan trọng nhất trong giáo dục và có tính độc lập tương đối với Luật Giáo dục. Với tư cách một đạo luật về nhà giáo có thể sửa đổi, bổ sung quy định về nhà giáo trong Luật Giáo dục hiện hành.
Luật về nhà giáo quy định những vấn đề chung, đồng thời cụ thể hóa phù hợp từng loại hình, trình độ, cấp học mà nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục với đặc điểm cấp học, trình độ đào tạo mà luật điều chỉnh (nhà giáo mầm non có yêu cầu khác nhà giáo phổ thông, đại học…) và phù hợp tình hình thực tiễn của giáo dục mầm non, phổ thông hiện nay.
Khi xây dựng Luật Nhà giáo cần quan tâm mối quan hệ với Luật Viên chức. Luật về nhà giáo và Luật Viên chức đều quy định về con người với đối tượng giao thoa lớn. Nhà giáo là viên chức, chịu tác động chung của Luật Viên chức và chuyên môn nghề nghiệp của Luật về nhà giáo. Khi xây dựng Luật này cần tham khảo cách thức quản lý viên chức để thiết kế các quy định chung bên cạnh các quy định đặc thù chỉ có ở nhà giáo.
Đẩy mạnh cơ chế tự chủ cơ sở giáo dục, cần phân cấp mạnh mẽ trong Luật này về công tác quản lý nhà giáo cho cơ sở giáo dục một cách đồng bộ, từ khâu tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bồi dưỡng như một trách nhiệm, tiêu chuẩn quan trọng của người đứng đầu, của chính cơ sở gắn với trách nhiệm giải trình cùng với sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ từ cơ quan chức năng. Các cơ quan Nhà nước chỉ làm thay một khâu nào đó khi cơ sở không làm được
Luật về nhà giáo và văn bản hướng dẫn về quản lý, sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng… không phân biệt giáo viên dạy trường công lập hay ngoài công lập; thống nhất về tiêu chuẩn, chức danh, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng. Chỉ có sự khác biệt giữa giáo viên trường công lập với ngoài công lập ở nguồn kinh phí chi trả lương và sự cần thiết phải có những quy định cụ thể về mức thấp nhất mà giáo viên trường ngoài công lập được hưởng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo các quy định pháp luật hiện hành, đội ngũ giáo viên cũng như lao động khác đều nằm dưới sự quản lý thống nhất của Chính phủ. Tuy nhiên, việc chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý đội ngũ nhà giáo thuộc về Bộ GD&ĐT (đối với giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giảng viên cơ sở giáo dục đại học và cơ sở đào tạo giáo viên) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với giảng viên, giáo viên khối giáo dục nghề nghiệp).
Mặt khác, hiện còn nhiều cơ sở giáo dục thuộc sự quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm thực hiện một số nội dung trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về nhà giáo trong các cơ sở giáo dục này. Do mạng lưới giáo dục rộng, nhiều cơ sở, đội ngũ nhà giáo đông đảo nên UBND cấp tỉnh, huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn cũng thực hiện một số nội dung trong công tác quản lý Nhà nước về nhà giáo.