Cảnh báo 5 hình thức lừa đảo online khiến nhiều người mất tiền tỷ

03/03/2024, 09:48
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa điểm lại một số hình thức lừa đảo trực tuyến trong tuần qua để người dân chủ động phòng tránh.

Giả danh Công an để lừa đảo

Ngày 17/1, bà T. (SN 1965, trú quận Tây Hồ, Hà Nội) nhận được điện thoại của một người tự xưng là cán bộ Công an, thông báo bà T. liên quan vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và yêu cầu bà kết bạn Zalo.

Sau khi kết bạn, bà T. nhìn thấy một người mặc trang phục Công an nhân dân trong video call yêu cầu bà phải chuyển tiền vào tài khoản của người này để xác minh. Ngay lập tức, bà T. đã chuyển 1,4 tỷ đồng theo yêu cầu.

Người dân cần cẩn trọng trước các cuộc gọi giả danh Công an để tránh bị lừa đảo.
Người dân cần cẩn trọng trước các cuộc gọi giả danh Công an để tránh bị lừa đảo.

Công an TP Hà Nội khẳng định, để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương, tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Môi trường trên không gian mạng đang ngày càng phức tạp, để phòng tránh tình trạng trên tái diễn, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội.

Đầu tư online bị lừa hàng trăm triệu đồng

Đầu tư online luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đầu tư online luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bà Nguyễn Thị H. (hơn 60 tuổi, trú TP Thanh Hóa), nạn nhân trong vụ lừa đảo do cài đặt ứng dụng (app) trên điện thoại cho biết, được một người bạn giới thiệu về việc tham gia đầu tư tài chính kiếm tiền nhanh.

Vì tin tưởng, lần đầu, bà H. đầu tư vào 4 triệu đồng, nhận về được tiền gốc và 1,6 triệu đồng tiền lãi.

Đỉnh điểm, bà H. nộp số tiền đầu tư lên tới con số hơn 360 triệu đồng nhưng ngay sau đó ứng dụng bị sập, không thể truy cập, bà H. mới vỡ lẽ mình bị lừa.

Không chỉ tư vấn trực tuyến qua Zalo, tin nhắn, họ còn tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại khách sạn lớn trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Do đó, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân phải luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín và được xác thực, cấp phép bởi Nhà nước.

Tuyệt đối cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường so với thị trường cùng với các khoản phí không rõ ràng.

Cẩn trọng với việc nhẹ lương cao

Việc nhẹ lương cao là điều đối tượng lừa đảo sử dụng để chiếm đoạt tài sản người nhẹ dạ, cả tin.
Việc nhẹ lương cao là điều đối tượng lừa đảo sử dụng để chiếm đoạt tài sản người nhẹ dạ, cả tin.

Chị N.T.T. (Hà Nội) chia sẻ mình được một người mời tham gia công việc vừa có thể làm qua mạng lại vừa có chiết khấu cao, chỉ cần gắn link sản phẩm từ mỹ phẩm, đồ gia dụng, quần áo… trên các sàn thương mại điện tử lên trên Facebook, Zalo… để nhận tiền hoa hồng từ các shop (trung bình 10.000 - 500.000 đồng/sản phẩm).

Sau 3 đơn hàng đầu được nhận tiền thật, đến đơn thứ 4 giá trị đơn hàng cao, họ yêu cầu chị T. gửi tiền đối ứng cọc giá trị, lấy lý do hệ thống bị lỗi cần thêm tiền để xác minh, đóng thuế. Khi nạn nhân phát hiện ra thì cũng đã bị đối tượng chặn tài khoản, không thể liên lạc.

Cục An toàn thông tin đã liên tục đưa ra cảnh báo và biện pháp phòng tránh cho người dân trước chiêu trò trên. Người dân cần tuyệt đối nâng cao cảnh giác, đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Lừa bán vé máy bay

Lừa bán vé máy bay để chiếm đoạt tài sản.
Lừa bán vé máy bay để chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Khả Ái (SN 2006, trú tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc tạo lập tài khoản Facebook ảo sau đó lừa đảo bán vé máy bay qua mạng.

Tại cơ quan Công an, Trần Khả Ái khai nhận đăng bài lên các hội nhóm mua bán vé máy bay nhằm thu hút khách hàng. Khi có khách hàng tiếp cận mua vé máy bay và chốt đơn, Ái sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào các số tài khoản ngân hàng mà Ái gửi.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần phải tỉnh táo trước khi thực hiện giao dịch trên mạng xã hội đặc biệt là với các quảng cáo giá siêu rẻ và ưu đãi lớn.

Khi có nhu cầu mua vé máy bay, khách hàng nên trực tiếp đặt vé qua website chính của hãng hàng không hoặc gọi trực tiếp lên tổng đài nếu không thành thạo việc đặt vé qua mạng.

Lừa bán iPhone chính hãng giá rẻ

Lừa bán iPhone giá rẻ qua mạng xã hội.
Lừa bán iPhone giá rẻ qua mạng xã hội.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đang mở rộng điều tra hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" bằng hình thức bán điện thoại di động iPhone chính hãng giá rẻ thông qua mạng xã hội. Sau quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã xác định được kẻ lừa đảo và tiến hành bắt giữ.

Tại đây, những kẻ lừa đảo đã khai nhận hành vi phạm tội, bằng cách quảng cáo bán điện thoại di động nhãn hiệu Apple iPhone chính hãng, mới nguyên seal (chưa bóc hộp) với giá giao động từ 6.990.000 đến 7.590.000 đồng trên mạng xã hội Facebook.

Sau đó, những kẻ này sử dụng số điện thoại rác, Zalo không chính chủ với tên gọi “Ngọc SP”, “Phương SP”, “Hằng SP”… để liên hệ tư vấn bán hàng và cam kết với khách hàng đây là điện thoại di động iPhone chính hãng, còn nguyên seal và được bảo hành chính hãng 12 tháng.

Khi khách hàng đồng ý mua hàng, những kẻ lừa đảo gửi hàng cho khách thông qua dịch vụ giao hàng thu hộ và yêu cầu khách hàng phải thanh toán tiền cho nhân viên giao hàng rồi mới cho nhận hàng để kiểm tra. Nhưng trên thực tế, hàng các đối tượng dùng để gửi cho khách chỉ là điện thoại di động giả, có bề ngoài gần giống với điện thoại iPhone chính hãng.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không nên mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội; không nghe tư vấn trên các trang web khi không xác định được mức độ uy tín và sự an toàn. Chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được uy tín và đảm bảo người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác.

Bài liên quan
Bắt giữ đối tượng giả danh Trợ lý Tổng  Bí thư để lừa đảo
Suốt hơn 3 năm qua, đối tượng Trần Hữu Minh thường xuyên có mặt trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, mạo danh mình là cán bộ Nhà nước cấp cao với mục đích thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo 5 hình thức lừa đảo online khiến nhiều người mất tiền tỷ