Hai là, kẻ lừa đảo sẽ giả danh là người thu hồi nợ của công ty tài chính nào đó để liên hệ với chủ tài khoản vừa nhận được tiền, yêu cầu người này trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với một khoản lãi suất cao. Nếu không trả, chúng sẽ “khủng bố” chủ tài khoản.
Như trường hợp chị A (trú tại quận Ba Đình, TP Hà Nội) đã rơi vào bẫy lừa đảo trên với cách thức trên. Chị A nhận được 45 triệu đồng chuyển vào tài khoản cá nhân với nội dung chuyển tiền không rõ ràng.
Sau đó, một tài khoản Zalo tự xưng là người của công ty tài chính kết bạn với chị A và thông tin rằng 45 triệu trên chính là tiền giải ngân khoản vay của chị. Như vậy, bỗng nhiên, chị A đã vừa thực hiện “vay nợ 45 triệu đồng” trong khi thực tế, chị không hề vay.
Không những vậy, kẻ lừa đảo chuyển hướng sang đe dọa, khủng bố chị A bằng tin nhắn. Chị A liền thực hiện các thủ tục đối soát với ngân hàng và trình báo công an giải quyết.
Với trường hợp anh T (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) bỗng nhận được 2 triệu đồng vào tài khoản. 30 phút sau, một người phụ nữ gọi điện thoại đến cho anh thông báo là chị lỡ chuyển nhầm tiền và mong được anh chuyển lại qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế trên một website. Tưởng thật, anh T làm theo hướng dẫn và bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản của mình.
Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an cho biết, đối tượng sử dụng chiêu thức trên luôn nhắm vào người nhẹ dạ cả tin. Nếu không đòi được tiền, đối tượng lừa đảo sẽ đe dọa, khủng bố để chủ tài khoản sợ hãi mà làm theo hướng dẫn của chúng.
Nếu đã đòi được tiền, chủ tài khoản còn phải đối mặt với tình huống khác là sau một thời gian, “chủ nợ” thực sự xuất hiện đòi trả cả gốc lẫn lãi số tiền “bỗng dung vay nợ” bên trên. Chỉ có điều, số tiền lãi lúc này đã được tính bằng con số gấp nhiều lần khoản “vay” ban đầu. Khi ra Công an, chủ tài khoản rất khó đối chất vì “chủ nợ” có đầy đủ bằng chứng sao kê chuyển tiền từ ngân hàng kèm thông tin chuyển tiền, thậm chí, có đầy đủ chứng từ “vay nợ” mà thực tế, chủ tài khoản không hề hay biết.
Để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo qua mạng, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam khuyến cáo người dân lưu ý: Các trang web chính thức của các ngân hàng được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam thường được đăng ký tên miền (.vn) hoặc (.com.vn), các trang web đăng ký tên giống nhưng đuôi khác như (.vip), (.top), (.cc), (.com)… có thể là web giả mạo.
Khi nhận các tin nhắn, cuộc gọi nghi vấn, không rõ ràng, người dân có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để kiểm tra lại thông tin. Cần lưu lại bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) để phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý.
Đồng thời cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an nơi gần nhất,đề nghị xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn lạ có dấu hiệu nghi vấn, phải bình tĩnh tuyệt đối không lộ thông tin đăng nhập dịch vụ smartbanking (mật khẩu, mã OTP) cho người khác trong mọi trường hợp. Không truy cập vào các đường dẫn giả mạo ngân hàng. Xác minh kỹ các thông tin trao đổi trên mạng xã hội, đặc biệt với các giao dịch liên quan đến tài chính.
Người dân không nên công khai các thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… lên các trang mạng xã hội để tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam cũng khuyến cáo người dân thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản internet banking, smartbanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này.
(Còn tiếp)