'Cánh cửa' rộng mở cho sinh viên ngành Điều dưỡng

19/08/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hiện nay, điều dưỡng là một trong những ngành được dự báo cần nguồn nhân lực rất lớn.

Ở nước ta, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu không tăng cường đầu tư cho đào tạo đến năm 2030 ngành Y tế có thể sẽ đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 40.000 - 50.000 nhân lực điều dưỡng.

Chuẩn bị hành trang

Em Đỗ Thị Thùy Linh, sinh viên K14, ngành Điều dưỡng, Trường Đại học Phenikaa, chia sẻ: “Ngành học mà em đang theo đuổi rất đặc thù, liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, do vậy trong suốt quá trình học em và các bạn rất áp lực.

Thùy Linh cũng cho biết thêm, trong quá trình học thực hành, thực tập, em sẽ dành tối đa thời gian ở bệnh viện để học hỏi kỹ năng và kinh nghiệm từ anh chị đi trước. Đối với những ca bệnh khó, em sẽ hỏi những người có kinh nghiệm để tích luỹ kiến thức, cách xử lý cho bản thân sau này.

Cụ thể, khối lượng kiến thức hàng ngày nhiều, chương trình học nặng. Khi chúng em đi thực tập ở các bệnh viện, tận mắt nhìn thấy những công việc mà các nhân viên điều dưỡng phải đảm đương rất vất vả, họ phải làm luôn tay, nhất là giờ cao điểm. Từ những thực tế đó, em tự xác định cho bản thân phải xây dựng quá trình học tập khoa học, tăng kỹ năng thực hành, thực tế để đáp ứng được những đòi hỏi sau này khi ra trường”.

Tương tự, nữ sinh Nguyễn Thị Huyền, sinh viên năm cuối, ngành Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y Hà Nội, chia sẻ: “Ngành Điều dưỡng ngoài đòi hỏi người làm việc phải giỏi chuyên môn để khi gặp phải các tình huống khó khăn, bất ngờ dễ dàng xử lý được. Môi trường công việc mang tính nhân văn vì liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe con người nên cũng đòi hỏi mỗi người học phải rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại và biết quản trị cảm xúc của mình.

Chính vì vậy, em đã tận dụng tối đa thời gian mình có để học cũng như xin đi học việc không lương những ngày cuối tuần ở các phòng khám nhằm rèn luyện kỹ năng, thực hành các kiến thức đã học cũng như có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều bệnh nhân”.

Theo chia sẻ của Thạc sĩ Lê Thiên Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hoa Sen: “Ngành Điều dưỡng đòi hỏi người học không chỉ phải đảm bảo những kiến thức vững vàng, kỹ năng thực hành nghề theo tiêu chuẩn năng lực, mà còn phải đủ tiêu chuẩn hành nghề theo quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Chính vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho sinh viên có cơ sở học tập, phòng thực hành tại chỗ. Nhà trường cũng đẩy mạnh hoạt động liên kết với các bệnh viện, trung tâm y tế nhằm tạo điều kiện cho người học được kiến tập, thực tập và làm việc sau khi tốt nghiệp”.

'Cánh cửa' rộng mở cho sinh viên ngành Điều dưỡng ảnh 1
Ảnh minh họa ITN.

Cơ hội việc làm mở rộng

Theo đánh giá của TS Phạm Thị Thu Hương, Trưởng khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Phenikaa, ngày nay lĩnh vực điều dưỡng được coi là một trong những ngành nghề có triển vọng và tầm quan trọng trên toàn cầu. Điển hình, đại dịch Covid-19 bùng nổ đã làm nổi bật tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành này trên phạm vi toàn cầu.

TS Phạm Thị Thu Hương phân tích: “Một vấn đề không thể bỏ qua là tình trạng già hóa dân số, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển, do đó nhu cầu tuyển dụng điều dưỡng viên không ngừng gia tăng trong thời gian gần đây. Tất cả những yếu tố này tạo ra cơ hội việc làm cho sinh viên điều dưỡng với sự đa dạng về vị trí làm việc và mức thu nhập hấp dẫn.

Cũng chính vì tầm quan trọng đó, sinh viên ngành điều dưỡng, Trường Đại học Phenikaa luôn được hướng dẫn theo triết lý đại học trải nghiệm, được tiếp cận và tìm hiểu về định hướng nghề nghiệp cũng như môi trường làm việc, từ các bệnh viện, trung tâm y tế cho đến các trung tâm chăm sóc người cao tuổi ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường”.

“Bên cạnh đó trong suốt quá trình học chúng tôi sẽ mời các chuyên gia lâm sàng có kinh nghiệm đến thỉnh giảng, trò chuyện, chia sẻ và làm cố vấn cho sinh viên để các em có cái nhìn tổng quan và ngành nghề mình theo đuổi. Các giảng viên sẽ đồng hành, sát sao với sinh viên trong quá trình học để gỡ khó, hỗ trợ tối đa cho sinh viên. Từ đó, các em sẽ xây dựng kế hoạch học tập cụ thể cho bản thân và sau khi tốt nghiệp nắm vững chuyên môn mình học”, TS Thu Hương cho biết.

Được biết năm 2023, khối ngành sức khỏe tại Trường Đại học Phenikaa đã cùng Bệnh viện Đại học Phenikaa triển khai việc ký kết các biên bản ghi nhớ, hợp tác với các bệnh viện từ Trung ương, các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện chuyên khoa… Mục tiêu là tăng cường môi trường thực hành và mở rộng cơ hội lựa chọn nghề nghiệp cho các sinh viên trong tương lai.

“Sự kết nối chặt chẽ giữa viện, trường và cơ sở y tế luôn là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của khối ngành sức khỏe. Bên cạnh đó, nhiều hướng phát triển mới được nhà trường triển khai, bao gồm bệnh viện thông minh, các phòng khám vệ tinh và mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà. Ngoài ra, trường chúng tôi đang chuẩn bị xây dựng trung tâm mô phỏng với quy mô diện tích khoảng 10.000m2, đây sẽ là nơi cho sinh viên thực tập, trải nghiệm và học tập đa ngành”, TS Phạm Thị Thu Hương cho biết.

“Chúng tôi luôn xây dựng mô hình đào tạo chú trọng thực hành để giúp sinh viên vững nghề sau khi tốt nghiệp, đáp ứng được đòi hỏi của công việc trong nước cũng như ở nước ngoài nếu như các em có mong muốn sang đó làm việc. Chúng tôi cũng tạo điều kiện học tập thuận lợi, kết nối với các đối tác nước ngoài để các em thực hiện hóa ước mơ của mình”, Thạc sĩ Lê Thiện Huy – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hoa Sen chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Cánh cửa' rộng mở cho sinh viên ngành Điều dưỡng