Giáo dục

“Cánh Diều” cho trẻ thơ nơi biên giới

Vân Anh 01/10/2024 10:33

(GDTĐ) - Khi những con chim Pí rộn ràng bay liệng trên dải rừng vùng biên xanh thắm, muôn sắc hoa rừng đua chen trong mây, ấy cũng là lúc những bé thơ tươi hơn nắng sớm trong sặc sỡ thổ cẩm vui chân sáo đến trường học cái chữ Bác Hồ. Trên đường xuân đến lớp ấy, hành trang tới trường của các em có những cuốn sách mới thuộc các môn học khác nhau trong bộ sách giáo khoa Cánh Diều.

Đây là một trong 5 bộ sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sử dụng từ năm học 2020 – 2021 do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP HCM và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam VEPIC phối hợp biên soạn và liên kết xuất bản.

ngu-van-1.jpg

Dù rào cản về ngôn ngữ, sự chênh lệch về trình độ tiếp cận giữa học sinh miền xuôi và học sinh vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc vẫn còn đó, song với hình thức tươi mới, nội dung dễ hiểu, gần gũi với tư duy của học sinh từng cấp học của bộ sách đã giúp cho các thầy cô giáo và học trò vùng biên thuận lợi hơn trong giảng dạy và học tập.

Được biết, hiện có gần 30 tỉnh, thành phố đặt bộ sách giáo khoa Cánh Diều, trong đó có nhiều tỉnh biên giới, biển đảo như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Thái Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Phú Yên, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nam Định….

Trên biên giới Lai Châu, vùng đất cam khó bậc nhất khu vực biên giới phía Bắc nước ta, đồng bào các dân tộc thiểu số trên biên giới Lai Châu luôn phải đối mặt với nghèo đói, bệnh tật, tình trạng trẻ em thất học, thiếu phòng học và nhà ở cho học sinh bán trú luôn là niềm đau đáu của những người có trách nhiệm. Tại Tiểu đoàn 19 huấn luyện cơ động BĐBP Lai Châu, tôi gặp các em nhỏ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được BĐBP đỡ đầu là Mà Mò Hà, Lò Xé Giá, Lý Minh Sơn và Giàng A Sinh và Lò Phí Xé đang hối hả ôn tập để thi chuyển cấp.

sach-giao-khoa-canh-dieu-1.jpg

Trên giá sách của các em, là những cuốn sách Ngữ Văn, Toán của bộ sách Cánh Diều. Em Lý Minh Sơn cho biết, trước đây, các em phải luồn rừng đi bộ suốt 2 ngày từ thôn ra trung tâm xã học thì từ ngày được BĐBP nhận đỡ đầu và đưa về nuôi dưỡng, việc học hành của các em đã bớt đi bao nỗi nhọc nhằn. Với bộ sách Cánh diều, sau khi được thầy cô giảng bài trên lớp, về đơn vị, các em có thể tự truy bài theo sách để nâng cao kỹ năng làm bài tập mà không cần phải học thêm.

Tại Sơn La, hầu hết các trường chọn sách giáo khoa thuộc bộ sách Cánh Diều nên tại các trường biên giới, học sinh học theo bộ sách này khá thuận lợi. Mỗi cuốn sách chứa đựng những giá trị sáng tạo, tri thức và cảm xúc, giúp cho học sinh tiếp thu kiến thức và vận dụng vào thực tế tốt hơn. Nhất là với đối tượng học sinh lớp 1 có đặc điểm trẻ thường chưa giao tiếp tốt tiếng Việt, thường xuyên nói tiếng dân tộc bản địa và không có điều kiện đi học bổ trợ kiến thức, nên đối với các thầy cô giáo đứng lớp khối 1 tại khu vực biên giới Sơn La, sách giáo khoa Tiếng Việt và Toán lớp 1 là hết sức phù hợp để dạy và hướng dẫn trẻ thực hành làm theo. Do đó, những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cùng các trường đều thống nhất 100% chọn sách giáo khoa cả 5 môn của bộ sách Cánh diều gồm Toán, Đạo đức, Âm nhạc, Giáo dục Thể chất, Hoạt động trải nghiệm.

Trong quá trình khảo sát chuẩn bị cho Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ 2, năm 2024, chúng tôi đã đến thăm Trường PTDT bán trú tiểu học & THCS Lóng Sập. Một không khí học tập sôi nổi, đầy hào hứng hiện lên trước mắt chúng tôi ở hầu hết các lớp học, các tiết dạy khiến chúng tôi ấm lòng và có thêm hi vọng về một tương lai tuơi sáng của thế hệ trẻ nơi đây - một vùng đất tưởng chừng đã “lụi tàn” vì tệ nạn ma tuý.

trung-thu-bien-cuong-1.jpg
Sách Cánh Diều đến với chương trình Trung thu biên cương của các em học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Hồng, Hương Sơn, Hà Tĩnh

Thầy giáo Hà Tiến Thành, Phó Hiệu trưởng nhà trưởng cho biết, năm học 2023-2024, Trường PTDT bán trú tiểu học & THCS Lóng Sập có 963 học sinh dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú, Mường. Những năm học trước, nhà trường lựa chọn bộ sách Cánh Diều và cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng 2 cuốn sách Toán, Tiếng Việt do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên bộ sách trực tiếp đứng lớp nhằm giúp giáo viên nâng cao kiến thức, kỹ năng soạn giáo án và hướng dẫn học sinh học tập, vận dụng tốt hơn.

Tại Hà Tĩnh, tỉ lệ các trường tiểu học và trường liên cấp có bậc tiểu học lựa chọn sách văn hóa là bộ sách Cánh Diều, chiếm tỷ lệ khá cao, trên 60%. Trong đó chủ yếu là những trường thuộc các huyện biên giới biển đảo như Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh. Được biết, để có căn cứ ra quyết định lựa chọn sách, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cân nhắc kỹ lưỡng và theo sát quá trình nghiên cứu sách của giáo viên các nhà trường và sự tham mưu của 21 hội đồng lựa chọn sách do UBND tỉnh thành lập.

Trao đổi với chúng tôi bên lề chương trình Trung thu biên cương do Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Hồng phối hợp với Đồn Biên phòng Sơn Hồng tổ chức cho học sinh, thầy Nguyễn Đức Dân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những năm qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh, nhà trường đã triển khai giáo trình giảng dạy theo bộ sách Cánh Diều và được đông đảo giáo viên, học sinh nhà trường hoan nghênh.

Nhờ có sự đồng thuận cao và sự chuẩn bị chu đáo, tâm huyết và nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh kết quả học tập của niên khoá 2022 – 2023 đạt kết quả vượt bậc. Tỷ lệ đỗ vào các trường công lập của trường là 92%, trong đó điểm bình quân môn Ngữ văn là 8,75; môn Toán là 7,44 và môn Tiếng Anh là 6,01. Trường có 2 học sinh đạt giải quốc gia cuộc thi An toàn giao thông và 2 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh.”

trung-thu-bien-cuong-2.jpg
Chương trình Trung thu biên cương của các em học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Hồng, Hương Sơn, Hà Tĩnh với sự tham gia của Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC).

Có thể nói, với tinh thần “Trao con chữ, truyền hy vọng”, các bản làng biên giới xa xôi hôm nay đã có nhiều thay đổi. Sự chung tay của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự cống hiến quên mình vì học sinh thân yêu của các thế hệ cán bộ làm công tác giáo dục vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, từng bước nhen lên khát vọng học tập, ý thức tự giác vươn lên của trẻ em các dân tộc trên biên giới. Hành trang tuổi thơ dưới mái trường của các em sẽ luôn có sự đồng hành của bộ sách Cánh Diều cũng những kiến thức phong phú, thiết thực.

Bài liên quan
Sách giáo khoa Cánh Diều và quyết tâm xã hội hóa
Là bộ sách xã hội hóa thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa Cánh Diều nhận được sự tin tưởng của đông đảo giáo viên trên cả nước vì chất lượng và sự tâm huyết của đội ngũ tác giả, biên soạn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Cánh Diều” cho trẻ thơ nơi biên giới