Các khách sạn được quản lý bởi các thương hiệu quốc tế có giá phòng trung bình cao hơn 40%, và công suất thuê cao hơn 8% so với các dự án thương hiệu trong nước và tự quản lý. Phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng từ các dự án được quản lý bởi Furama, Accor, InterContinental Hotels Group (IHG), Hyatt và Fusion cũng dần chiếm ưu thế trong nguồn cung.
Sự phát triển về hạ tầng cũng là một lợi thế không nhỏ cho phân khúc BĐS nghỉ dưỡng.
Những năm qua, Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều dự án hạ tầng lớn, nhưTuyến cầu đường mới đi qua sông Cổ Cò và Cao tốc La Sơn - Túy Loan; Cảng Liên Chiểu (dự kiến hoàn thành năm 2025) và đường Vành đai phía Tây Đà Nẵng (dự kiến hoàn thành năm 2023).
Các dự án đang trong quy hoạch có thể kể đến như: Sân bay Quốc Tế Đà Nẵng mở rộng, Hầm chui sống Hàn, Quốc lộ 14B và đường ĐT601...
"Giao thông và hạ tầng ở trong và ngoài thành phố hiện nay không ngừng được mở rộng, nâng cấp và xây mới. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển giao thông mà còn góp phần vào sự phát triển đồng đều của Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, từ đó khuyến kích tiềm năng kinh tế và phát triển du lịch của thành phố, tạo động lực cho các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng”, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội đánh giá.
Và quan trọng nhất, vừa qua Nghị định 10 đã được ban hành, được dự báo sẽ xoay chuyển tình thế cho thị trường biển này.
Ngày 3/4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10 sửa đổi các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Trong đó, quy định công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định của pháp luật thì được chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ.
Nghị định số 10 được xem là tín hiệu vui với những nhà phát triển dự án, người mua sản phẩm căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel) và các loại công trình khác phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ. Điều này được các chuyên gia kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc tồn tại bấy lâu trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho condotel.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), Nghị định 10 được ban hành vừa qua chính là “phát súng đầu tiên” cho việc giải quyết các điểm nghẽn pháp lý cho các dự án BĐS nghỉ dưỡng.
"Tới đây bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất đối với loại hình này. Đây là điều mong đợi của hàng ngàn nhà đầu tư đã và đang tham gia vào thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Những nhà đầu tư là những người vui mừng nhất, tiếp sau là các chủ đầu tư vì những điểm nghẽn kéo dài nhiều năm qua. Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều hội thảo, kiến nghị để tháo gỡ vấn đề này, mãi tới nay câu chuyện đấy mới khiến chúng ta thở phào nhẹ nhõm. Tôi nghĩ rằng trong giai đoạn tới, các dự án du lịch nghỉ dưỡng sẽ có thêm niềm tin của các nhà đầu tư đồng hành với họ”, ông Đính nhìn nhận.
Còn bà Đỗ Thu Hằng nhận định thêm, Nghị định 10 sẽ là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng có hướng dẫn về trình tự, thủ tục cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ.
Đây cũng được xem là tiền đề để thị trường, bao gồm các chủ đầu tư và các nhà đầu tư hiểu rằng trong thời gian tới định hướng về pháp lý của sản phẩm đã có những bước chuyển biến. Từ đó tạo đà phục hồi cho phân khúc này tại thị trường cả nước nói chung và thị trường Đà Nẵng nói riêng.