Bà Bùi Thị Vân (Nam Trực, Nam Định) - bệnh nhân tại bệnh viện K chia sẻ, cầu này rất thuận tiện cho người đi bộ nhưng có thể bố trí thấp hơn vì nhiều người họ ngại leo lên cao hoặc có thể xây dựng thêm thang cuốn để thuận tiện cho cả người già cũng như bệnh nhân khi lên cầu đi bộ để sang đường.
Tình trạng người dân cố tình băng qua đường, "phớt lờ" cầu bộ hành có thể gây ra không ít những vụ va chạm giao thông đường bộ.
Theo chia sẻ của người dân xung quanh, đã có những vụ tai nạn nghiêm trọng do người đi bộ tùy tiện băng qua đường khi các phương tiện đang lưu thông, khiến họ phải giảm tốc bất ngờ nên bị va chạm mạnh với các xe đằng sau.
“Cứ ai sai thì phạt người đó, lỗi tai nạn do người đi bộ không tuân thủ luật giao thông thì phải phạt người đi bộ, không ai chịu trách nhiệm thay được.” - Anh Quang (người nhà bệnh nhân tại bệnh viện K) dứt khoát bày tỏ.
Cầu bộ hành xây dựng để giúp người dân qua đường an toàn, nhưng hiện nay lại trở thành địa điểm để người nhà bệnh nhân tụ tập, nghỉ chân.
Ở một số tuyến phố của Hà Nội, các cầu vượt dành cho người đi bộ rất vắng vẻ. Trong ảnh là cầu bộ hành trên tuyến đường Phạm Văn Đồng nhưng rất ít người dân sử dụng lối đi này để qua đường.
Cầu đi bộ nằm trên đường Lê Quang Đạo (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vắng bóng người qua lại.
Xét từ thực tế trên, các cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh các chương trình giáo dục và tuyên truyền về an toàn giao thông, đồng thời tăng cường thực thi pháp luật để đưa ra biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, phát huy hiệu quả tác dụng của giao thông đường bộ, không để tình trạng cầu bộ hành bỏ không gây lãng phí./.