Nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình bào chế chế phẩm bảo vệ gan từ thân và lá cây An xoa và thử nghiệm tác dụng bảo vệ gan của chế phẩm này trên mô hình gan chuột bị gây tổn thương bằng paracetamol.
Trong đó, quy trình này bao gồm các bước: Mẫu bột khô cây An xoa bao gồm thân và lá được ngâm trong EtOH 70% có gia nhiệt và khuấy. Lọc thu dịch chiết, cô quay lại thu hồi dung môi cho tới khi dịch chiết còn lại từ 2 - 2,5 lít. Tiếp tục hòa dịch này với nước theo tỉ lệ 1:1.
Dịch này được chiết phân bố với n-hexan nhằm loại bỏ chất màu và acid béo. Thu pha n-hexan và pha nước riêng rẽ. Pha nước tiếp tục được chiết phân bố với EtOAc, và cô quay dưới áp suất giảm loại EtOAc đến khô kiệt thu được cao chiết. Sấy chân không ở 50°C thu được cao khô EtOAc, sau đó nghiền nhỏ thu được sản phẩm.
Nhóm đã định lượng hàm lượng flavonoit tổng số có trong chế phẩm bằng phương pháp đo quang (UV-VIS) với chất so sánh chuẩn là quercetin. Các hợp chất phenolic dạng favonoit là lớp chất chính quyết định đặc tính chống các tác nhân oxy hóa, gây hại cho tế bào gan.
Xác định hoạt độ hai enzym AST và ALT trong huyết thanh chuột, cùng với sự quan sát mô bệnh học của gan chuột thực nghiệm để đánh giá tác dụng bảo vệ gan của mẫu thử nghiệm. Đánh giá độc tính cấp trên mô hình thử nghiệm với chuột theo đường uống cho thấy hiệu quả đạt được của giải pháp hữu ích.
Nhóm đã thu nhận được chế phẩm từ thân và lá cây An xoa. Quy trình được thực hiện đơn giản, xác định được hàm lượng favonoit có trong chế phẩm là 9,85%.
Ở liều lượng 3000 mg/kg, chế phẩm từ cây An xoa làm giảm 50 - 60% hàm lượng AST và ALT trong máu. Chế phẩm từ cây An xoa an toàn, không gây độc trên chuột với giá trị LD50 10000 mg/kg thể trọng.
Theo TS Nguyễn Thanh Trà, kết quả này là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo nhằm phát triển và sử dụng chế phẩm cây An xoa trong hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến gan.
Đây sẽ là giải pháp bảo vệ sức khỏe an toàn, không gây hại, không có tác dụng phụ do có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên, giá thành rẻ do nguồn nguyên liệu phong phú, khai thác tại chỗ.
Nghiên cứu có nhiều tiềm năng để thương mại hóa do hiện nay nhu cầu về sản phẩm bảo vệ gan từ thảo dược lành tính rất lớn. Nhóm sẽ tiếp tục phát triển nghiên cứu để cho ra sản phẩm bảo vệ sức khỏe gan mật.