Nghiên cứu của bác sĩ Baulieu và cộng sự lại không nhận được nhiều sự ủng hộ. Những người phản đối phá thai đã tấn công Roussel-Uclaf. Thậm chí, một số người còn so sánh Roussel-Uclaf với I.G. Farben - công ty tạo ra khí xyanua - và nói rằng nghiên cứu của ông Baulie đang biến tử cung thành lò hỏa táng.
Cuộc chiến chống lại sản phẩm thuốc phá thai của bác sĩ Baulieu lan đến tận Mỹ. Tại Washington, nhiều người phát động chiến dịch chống phá thai và kéo đến đại sứ quán Pháp tại Mỹ. Họ gửi những bức thư đe dọa tẩy chay các sản phẩm của Pháp nếu Pháp chấp nhận loại thuốc này. Công ty Roussel-Uclaf đã gần như rút đơn đăng ký sản phẩm nhưng đến năm 1988, chính quyền Pháp lại ký phê duyệt RU-486.
Dù thuốc phá thai được chính quyền phê duyệt, làn sóng phản đối vẫn rất mạnh mẽ. Roussel-Uclaf bị gây sức ép đến mức một tháng sau khi Pháp phê duyệt, công ty đã phải ngừng đưa RU-486 ra thị trường. Ông Edouard Sakiz, Chủ tịch công ty, nói với bác sĩ Baulieu rằng ông đã phải rút lui vì lo ngại bạo lực.
Dù vậy, ông Sakiz vẫn cho phép bác sĩ Baulieu tự do phát biểu. Nhờ sự ủng hộ của chủ tịch, cha đẻ của thuốc phá thai đã bay đến Brazil để tham dự Hội nghị Phụ khoa và Sản khoa Thế giới - nơi các bác sĩ và nhà nghiên cứu chỉ trích việc Roussel-Uclaf thu hồi RU-486.
Ngay sau đó, ông Claude Évin, Bộ trưởng Y tế của Pháp thời đó, đã gọi RU-486 là tài sản đạo đức dành cho phụ nữ. Ông Évin có cổ phần ở Roussel-Uclaf nên đã gây áp lực, buộc công ty phải tiếp tục bán thuốc phá thai.
"Tôi không thể cho phép những cuộc tranh cãi về phá thai khiến phụ nữ mất đi một sản phẩm đại diện cho sự tiến bộ của y tế", ông nhấn mạnh.
Ở tuổi 96, bác sĩ Baulieu vẫn làm việc trong phòng thí nghiệm tại Bệnh viện Kremlin-Bicêtre (Paris, Pháp). Ảnh: New York Times. |
Từ những năm 1980, bác sĩ Baulieu đã nhận được những bức thư hăm dọa, thù địch. Canada còn xuất hiện một tấm áp phích có hình ảnh của ông kèm theo dòng chữ "bị truy nã vì tội diệt chủng". Một người ở San Francisco (Mỹ) ví bác sĩ Baulieu giống Josef Mengele - bác sĩ ở trại tử thần của Đức Quốc xã.
Ở New Orleans, quả bom nhỏ đã phát nổ tại hội nghị có sự tham gia của ông Baulieu. May mắn, ông đến muộn, không gặp nguy hiểm về tính mạng.
Bên cạnh những lời đe dọa, bác sĩ Baulieu nhận được thư cảm ơn từ Mỹ và cả những lời cầu xin cung cấp thuốc phá thai. Tuy nhiên, Roussel-Uclaf không dám tìm kiếm sự chấp thuận từ Mỹ vì sợ những người phản đối phá thai sẽ tẩy chay các sản phẩm khác.
Năm 1993, một tổ chức về quyền phá thai đã thành lập phòng thí nghiệm ở ngoại ô New York để bí mật sản xuất thuốc phá thai. Đến năm 1994, khi được chính quyền Tổng thống Bill Clinton ủng hộ thuốc phá thai, Roussel-Uclaf mới trao quyền cho một tổ chức phi lợi nhuận để sản xuất và phân phối thuốc.
Đến nay, phòng thí nghiệm của bác sĩ Baulieu vẫn nhộn nhịp với loạt thí nghiệm khoa học mới. Ông đã có những khám phá về các steroid hormone khác nhau, một số được tổng hợp trong não nên bác sĩ Baulieu gọi là "neurosteroids".
Hiện nay, nhóm của ông nghiên cứu về bệnh Alzheimer và đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng phương pháp mới để điều trị chứng trầm cảm nghiêm trọng.
Ở tuổi 96, bác sĩ Étienne-Émile Baulieu vẫn minh mẫn và tràn đầy năng lượng. Ông cho biết ông thất vọng khi Mỹ đưa ra lệnh cấm phá thai, nhưng ông cũng vui mừng vì thuốc phá thai do ông làm ra được đông đảo phụ nữ chấp nhận và ủng hộ.