Trong cuộc sống thực, chúng ta thường thấy một số bậc cha mẹ có xu hướng đặc biệt "hào phóng", "rộng lượng" ở một số khía cạnh nhất định.
1. "Rộng lượng" khen con người khác nhưng thường xuyên chê con mình
"Con người khác" dường như luôn là sự tồn tại hoàn hảo trong miệng các bậc cha mẹ. Khi cha mẹ khen ngợi con của người khác và hạ thấp con mình, trẻ có thể cảm thấy rằng chúng không bao giờ có thể sống theo tiêu chuẩn hoàn hảo đó.
Trẻ sẽ nghĩ rằng dù cố gắng thế nào cũng sẽ không bao giờ được cha mẹ công nhận, điều này khiến trẻ dần mất đi sự tự tin. Theo thời gian, trẻ bắt đầu nghi ngờ khả năng của mình, nghĩ rằng mình thua kém những đứa trẻ khác và thậm chí dần hình thành mặc cảm tự ti.
Thực tế, mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Là cha mẹ, chúng ta phải hiểu rõ con mình, khám phá những điểm sáng, điểm mạnh của con và khuyến khích con phát huy chúng. Chỉ bằng cách này, trẻ mới thực sự xây dựng được sự tự tin và dũng cảm đối mặt với những thử thách trong tương lai.
Ảnh minh hoạ
2. "Rộng lượng" làm hài lòng người ngoài nhưng khắt khe với người trong gia đình
Một số cha mẹ lúc nào cũng duy trì hình ảnh lịch sự, tốt đẹp với người ngoài nhưng khi trở về nhà, họ lại truyền hết những bất hạnh, bất bình, cảm xúc tồi tệ cho người thân trong gia đình, đặc biệt là con cái.
Họ quên rằng con cái là thành viên quan trọng nhất trong gia đình. Điều con cần nhất chính là tình yêu thương, sự ủng hộ của cha mẹ. Những đứa trẻ bị bỏ rơi và ngược đãi tinh thần trong thời gian dài có thể trở nên tự ti, thu mình, thậm chí oán giận cha mẹ. Các em có thể nghĩ rằng, bản thân không xứng đáng với tình yêu thương của cha mẹ; hoặc tình yêu của cha mẹ là có điều kiện, chỉ khi trẻ đạt được kỳ vọng của cha mẹ thì mới nhận được tình cảm.
3. "Rộng lượng" đầu tư đủ khoá học cho con, không cần biết con có mệt mỏi, áp lực hay không
Với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, sự cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt. Nhiều bậc cha mẹ tin rằng chỉ thông qua đầu tư liên tục, họ mới có thể giúp con không thua từ vạch xuất phát.
Trên thị trường hiện có đủ loại khóa đào tạo và lớp học hấp dẫn. Những bậc cha mẹ này tiết kiệm tiền ăn, mặc, vay tiền để cho con học nhưng không chịu tìm hiểu kỹ xem khoá học đó có tác dụng gì, có phù hợp với con không. Họ thấy người khác đăng ký cho con thì họ cũng phải đăng ý theo.
Nhiều phụ huynh dưới sự tác động của tâm lý so sánh và tâm lý đám đông, đã mù quáng theo đuổi những trường danh tiếng, bỏ tiền mua nhà trong các khu học chánh để rồi hàng ngày phải sống tằn tiện. Họ ra rả với con rằng, họ phải hy sinh như thế nào vì con.
Dưới sự kỳ vọng cao và yêu cầu khắt khe của cha mẹ, trẻ em phải chịu áp lực tâm lý rất lớn, có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý như lo lắng, trầm cảm.
4. "Rộng lượng" khi con bị bắt nạt
Khi con bị bắt nạt, nhiều bậc cha mẹ chọn cách khuyên con hãy kiên nhẫn để tránh xung đột trở nên căng thẳng hơn. Nhẫn nại không phải là đáp án đúng, đặc biệt khi một đứa trẻ bị bắt nạt. Cách tiếp cận này thường gửi một thông điệp sai lầm đến trẻ em: Quyền lợi của chúng có thể bị xâm phạm bất cứ lúc nào.
Kiểu giáo dục như vậy về lâu dài có thể khiến trẻ trở nên hèn nhát, rụt rè, thiếu tự tin và không có dũng khí đối mặt với vấn đề. Trẻ có thể tin rằng khoan dung là một đức tính tốt và bỏ qua quyền lợi của bản thân.
Cách tiếp cận đúng đắn là dạy trẻ bảo vệ quyền lợi của chính mình và để chúng học cách dũng cảm đối mặt với vấn đề. Điều này bao gồm việc dạy con bạn can đảm bày tỏ ý kiến và cảm xúc của mình, biết nói "không" và yêu cầu giúp đỡ khi cần thiết.
Là cha mẹ, chúng ta cần luôn xem xét lại hành vi và phương pháp giáo dục của mình. Khi nhận thấy mình có vấn đề trong bốn khía cạnh này, chúng ta phải suy ngẫm và điều chỉnh việc giáo dục một cách kịp thời. Chỉ bằng cách này, cha mẹ mới có thể thực sự trở thành người hướng dẫn trên con đường phát triển của con.