John Locke, một nhà giáo dục nổi tiếng người Anh từng nói: "Cha mẹ càng không công khai lỗi lầm của con cái, con cái càng coi trọng danh tiếng của bản thân. Vì vậy con càng cẩn thận để duy trì sự khen ngợi".
Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền một câu chuyện khiến nhiều người bức xúc. Có một cậu bé trốn trong một tòa nhà, trên người chỉ có một chiếc quần lót. Khi người dân trong khu dân cư phát hiện, họ lập tức gọi cảnh sát để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Người hàng xóm tốt bụng đã mang quần áo cho em, nhưng em không nhận đồ, cũng không đáp lại.
Mãi đến khi cảnh sát đến hỏi thăm mọi người mới biết, thì ra vì điểm thi không tốt nên cậu bé bị lột quần áo và đuổi ra khỏi nhà. Có thể thấy, đứa trẻ rõ ràng bị kích động, trạng thái tinh thần rất tệ, khi người lớn hỏi nơi ở, cậu bé không nói gì mà chỉ dùng tay ra hiệu.
Dù trẻ em không phải là người lớn nhưng chúng vẫn có lòng tự trọng. Cha mẹ xem thường con, điều này sẽ khiến con cái cảm thấy tự ti, rụt rè.
Nhiều cha mẹ áp đặt, luôn cho rằng lời nói của bản thân mình là đúng, không bao giờ lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con cái. Mỗi khi con cái nêu ý kiến hay giải thích thì bị cha mẹ quy chụp là hay cãi, trả treo. Họ dùng những từ ngữ thóa mạ, xúc phạm con cái. Một số người mỗi khi tranh luận với con cái mà đuối lý liền bắt đầu chửi bới, dùng đòn roi, bạo lực để trấn áp.
Khi con cái sai thì bắt con phải xin lỗi, nhưng khi bản thân mình sai thì một câu xin lỗi cũng không có. Họ cũng soi mói, xét nét trong mọi hành động của con cái và dùng vũ lực mỗi khi con cái không theo ý mình. Ngoài ra họ không tôn trọng sở thích, cá tính của con.
Cha mẹ không tôn trọng con cái có thể khiến con mất đi sức mạnh nội tâm. Chỉ một đứa trẻ có lòng tự trọng mới có thể hấp thụ năng lượng tích cực để lớn lên một cách vô tư và lành mạnh.
Cha mẹ khôn ngoan nhận ra rằng con cái là một cá thể độc lập. Họ không chỉ tôn trọng quyền sở hữu, không lục lọi đồ dùng của con khi chưa được sự đồng ý mà còn tôn trọng suy nghĩ độc lập, không can thiệp quá nhiều vào chuyện riêng tư của con, để con có quyền lựa chọn cuộc sống của mình. Bởi họ tin rằng tình yêu có ranh giới không có nghĩa là thờ ơ, cũng không có nghĩa là phớt lờ mà là cùng con lớn lên với một thái độ chín chắn, thấu hiểu.
Một giáo sư tâm lý học tại Đại học Stanford, thông qua một cuộc khảo sát trẻ em từ hàng trăm gia đình chỉ ra: Một số trẻ em mặc cảm tiêu cực là do giáo dục gia đình không hợp lý. Nếu cha mẹ không kịp thời phát hiện ra những hành vi giáo dục con cái không đúng cách, khiến con cái nảy sinh mặc cảm, tự ti, thì sẽ gián tiếp hủy hoại cuộc đời con.
Nếu yêu con thì hãy quan tâm đến cảm xúc của con, dù con có làm sai điều gì cũng đừng phủ nhận giá trị của chúng. Thay vì tạo áp lực, hãy khuyến khích con bày tỏ cảm xúc thực của mình. Phụ huynh nên dành thời gian chia sẻ từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, tôn trọng ý kiến của con, cho con khoảng không gian riêng để phát triển.
Cha mẹ nên để ý xem con mình có dấu hiệu tự ti hay không. Ngay khi phát hiện cần khắc phục, sửa chữa, kịp thời thay đổi lại cách giáo dục không đúng của gia đình để giúp con thoát khỏi mặc cảm, ngày càng tự tin, tỏa nắng.