4 cách dạy con đáng học hỏi này là nền tảng để một đứa trẻ được phát huy tối đa tiềm năng của bản thân, từ đó đạt được thành công sau này.
Margot Machol Bisnow là một nhà văn, một người mẹ sống ở Washington DC, Mỹ. Bà là tác giả của cuốn sách: “Nuôi dạy một doanh nhân: Làm thế nào để giúp con mình đạt được ước mơ”.
Trong cuốn sách này, bà đã phỏng vấn 70 bậc cha mẹ đã nuôi dạy những đứa con trở thành người vô cùng thành đạt, về cách mà họ đã giúp con mình đạt được ước mơ. Những người này có sự khác biệt lớn về chủng tộc, tôn giáo, thu nhập gia đình, trình độ học vấn. Mặc dù không phải toàn bộ họ đều là học sinh giỏi nhưng tất cả đều xuất sắc trong chuyên môn của mình, đó là bởi họ đã tìm thấy sở thích và được cha mẹ thắp sáng ngọn lửa trong tim.
Dưới đây là bốn điều mà cha mẹ của những người thành công nhất luôn làm khi con họ còn nhỏ:
1. Ủng hộ đam mê của con cái
Những người thành đạt mà Margot trò chuyện đều có một đam mê từ nhỏ tới lớn. Ngoại trừ các nghệ sĩ, những người vẫn duy trì đam mê của mình cho đến khi trưởng thành, nhiều nhà lãnh đạo khác theo đuổi những nghề nghiệp không liên quan đến những gì họ yêu thích khi còn nhỏ.
Vậy tại sao cha mẹ họ lại khuyến khích bất kỳ đam mê nào của con cái mình?
Điều này là do đó là thứ mà những người thành đạt này tự chọn nên họ rất hào hứng và chăm chỉ. Họ kiên trì, bền bỉ và dần thành thạo. Những trải nghiệm này dạy họ tin vào khả năng thành công khi bản thân dồn hết tâm huyết vào một việc gì đó.
Mặc dù cha mẹ họ không hiểu đam mê của con mình nhưng vẫn ủng hộ con. Cha mẹ họ thấy được niềm vui mà con mình có được từ những đam mê đó. Họ biết rằng, dù mình có làm gì thì vẫn luôn có cha mẹ ở bên cạnh ủng hộ.
Ảnh minh họa.
2. Dạy con cái chấp nhận thất bại
Những doanh nhân thành đạt mà Margot phỏng vấn trong cuốn sách của mình đều là những người dám chấp nhận rủi ro.
Trong nghiên cứu của mình, Margot nhận thấy những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhất là những người không bị trừng phạt hoặc không được dạy sợ thất bại khi còn nhỏ. Cách tiếp cận này khiến bà nhớ đến một câu nói của Billie Jean King mà mình yêu thích: “Chúng ta không gọi đó là thất bại, chúng ta gọi đó là phản hồi”.
Những người trưởng thành thành công nhất đều lớn lên với niềm tin rằng cha mẹ sẽ luôn ở bên họ, bất kể họ gặp phải vấn đề gì.
Cha mẹ họ luôn dạy con cái rằng, cạnh tranh, chiến đấu để thành công và chiến thắng là điều tốt, nhưng thua cuộc cũng là điều tốt. Thất bại là cơ hội để học hỏi, phát triển và hình thành cho mình ý thức tự phục hồi.
Các bậc cha mẹ mà Margot phỏng vấn luôn cổ vũ nỗ lực của con cái họ, thay vì chỉ tập trung vào thành tích của chúng.
3. Khuyến khích sự tò mò và tính tự chủ
Trẻ em được khuyến khích tò mò sẽ biết rằng, nếu chúng tiếp tục khám phá, chúng sẽ tìm ra cách cải thiện, mở rộng hoặc tìm thấy một thứ gì đó mà mình yêu thích và hiểu biết được nhiều cái thú vị hơn.
Những doanh nhân tương lai trong cuốn sách của Margot được cha mẹ dạy luôn tự hỏi bản thân mình rằng: “Liệu mọi thứ có nhất thiết phải như thế này không? Làm sao để mọi thứ tốt hơn?”.
Nhiều bậc phụ huynh nói với Margot rằng, họ không muốn con mình hài lòng với một điều gì đó “vì mọi thứ vốn dĩ như vậy”.
Khi con cái họ lớn lên có khả năng hơn, cha mẹ cũng chống lại sự cám dỗ làm hoặc sửa chữa mọi thứ cho con. Thay vào đó, họ trao cho con cái mình cách tự giải quyết vấn đề của bản thân.
4. Nhấn mạnh sự đồng cảm và lòng trắc ẩn
Hầu hết các doanh nhân trong cuốn sách của Margot đều được dạy từ sớm để đồng cảm với người khác. Họ lớn lên với mong muốn giải quyết những mối quan tâm và vấn đề của những người xung quanh và trong cộng đồng của mình.
Họ được nuôi dạy với mong muốn chân thành là cải thiện cuộc sống của mọi người. Cha mẹ họ không bao giờ nói với họ rằng, mục tiêu là kiếm được nhiều tiền nhất, mặc dù đó thường là kết quả.
Cảm giác nhân ái này là điều khiến họ muốn tạo ra tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm hoặc dịch vụ có thể mang lại cho mọi người cảm giác thoải mái và vui vẻ. Đổi lại, nền tảng đó đã giúp họ xây dựng sự nghiệp và cuộc sống thành công.