Có trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh các trình độ chưa đúng quy định; chưa đảm bảo các điều kiện mở ngành, duy trì ngành đào tạo; chưa đảm bảo chuẩn chương trình đào tạo. Việc tổ chức quản lý đào tạo các trình độ, phương thức đào tạo thiếu chặt chẽ, không đảm bảo khối lượng giảng dạy; hồ sơ quản lý văn bằng, chứng chỉ chưa đúng, không cập nhật đầy đủ thông tin và ký chứng chỉ sai thẩm quyền…
Theo Nghị định 04 có hiệu lực từ ngày 10/3/2021, nếu trường nào vi phạm công tác tuyển sinh, mở ngành đào tạo sẽ bị xử lý theo các quy định. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, việc ban hành Nghị định này cần thiết nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tuyển sinh. Song trên thực tế, vẫn có những trường “vượt rào”.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo, cạnh tranh công bằng giữa các cơ sở giáo dục đại học, việc xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy chế tuyển sinh không thể thiếu. Đó không chỉ là phạt tiền, mà các trường có thể bị trừ chỉ tiêu năm sau, truất quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh 5 năm tiếp theo.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, việc để các trường tự chủ và thực hiện theo cơ chế “mở” là đúng nhưng cần có giới hạn. Các trường phải tuân thủ các quy định đã có. Bộ GD&ĐT cần có quy định cụ thể, rõ ràng và chế tài xử lý vi phạm đủ mạnh để các trường không dám “vượt rào”.
Tán thành với việc nên có “biên độ” để các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh, song TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, khi đã có quy định thì các trường cần chấp hành. Nếu thấy bất cập hoặc chưa phù hợp với thực tế thì có thể kiến nghị, đề xuất để sửa đổi bổ sung, không nên “cố đấm ăn xôi”.
“Hiệp hội sẽ nhắc nhở, khuyến nghị để các trường thực hiện đúng quy định trong công tác tuyển sinh, đào tạo” - TS Lê Viết Khuyến trao đổi và khẳng định, nếu phát hiện thành viên nào vi phạm Nghị định 04, thì tùy theo mức độ, hiệp hội sẽ có văn bản đề nghị tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 khối giáo dục đại học, ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, năm học 2023 – 2024, Bộ sẽ tiếp tục rà soát tổng thể các văn bản liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng.
Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 04 và ban hành hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, thanh tra tuyển sinh năm 2024 đối với các cơ sở giáo dục đại học; đồng thời ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2024 và kế hoạch kiểm tra năm 2024 của Bộ GD&ĐT.
Cùng đó, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục trọng tâm, trọng điểm; Thanh tra sẽ đồng hành với các cơ sở giáo dục đại học; tư vấn, thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện. Trong đó tập trung công tác thanh tra công vụ, tổ chức tuyển sinh và quản lý đào tạo, mở ngành, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và trách nhiệm giải trình xã hội của các cơ sở giáo dục đại học, kiểm định chất lượng giáo dục…
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát cơ sở giáo dục đại học có dấu hiệu vi phạm trong công tác tuyển sinh. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật, đặc biệt trong việc xây dựng ban hành văn bản, thực hiện nghĩa vụ công khai và giải trình; việc mở ngành và duy trì ngành đào tạo, thực hiện tuyển sinh, quản lý đào tạo, quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ.