Chặng đường mới của đổi mới Giáo dục

02/01/2024, 13:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Phát huy những kết quả quan trọng đạt được năm 2023 và trước đó, năm 2024, ngành Giáo dục bước sang giai đoạn mới với nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Cũng trong năm 2023, Bộ GD&ĐT ban hành các Thông tư hướng dẫn về danh mục vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập làm căn cứ để các địa phương xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm để tiến tới thực hiện chính sách tiền lương mới trong thời gian tới. Bộ GD&ĐT cũng sửa đổi các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, nhân viên nhằm khắc phục những hạn chế trước đó, tạo thuận lợi, động lực cho đội ngũ giáo viên.

Căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, trong năm qua, Bắc Ninh thực hiện đầy đủ các chính sách cho nhà giáo. Trong đó, có thể kể đến như: Phê duyệt phương án và bổ nhiệm, xếp lương cho 12.200 giáo viên đủ điều kiện ở các cấp học mầm non, phổ thông theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; xây dựng Đề án xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho 1.009 giáo viên trên tổng số 2.028 giáo viên THPT từ hạng III lên hạng II.

Bắc Ninh đồng thời tổ chức tuyển dụng số giáo viên còn thiếu trên cơ sở số biên chế được giao; chăm lo và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo; đặc biệt ưu tiên hỗ trợ, động viên kịp thời đối với đội ngũ nhà giáo có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, giáo dục học sinh.

Những vấn đề liên quan đến chính sách nhà giáo cần quan tâm trong năm 2024, tôi cho rằng, thứ nhất, về chiến lược lâu dài trong phát triển đội ngũ, mong Quốc hội sớm thông qua Luật Nhà giáo, tạo hành lang pháp lý cho nhà giáo phát triển, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước nói chung, ngành Giáo dục nói riêng.

Thứ hai, về chính sách cụ thể đối với nhà giáo, năm 2024 sẽ thực hiện chính sách tiền lương mới, để nhà giáo sống được với nghề và yên tâm công tác, rất mong muốn Chính phủ, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quan tâm, tính toán việc xếp bảng lương mới cho nhà giáo phù hợp, đảm bảo “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” như tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Thứ ba, Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ liên quan ban hành chế độ phụ cấp đặc thù cho viên chức ở một số vị trí việc làm trong ngành Giáo dục (thiết bị, thí nghiệm; giáo vụ; tư vấn học sinh; hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; thư viện; chuyên viên quản trị công sở; kế toán; nhân viên thủ quỹ; văn thư…).

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long: Kịp thời ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà.

Năm 2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, giúp học sinh khối 11 năm học 2023 - 2024 có thời gian chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018; đồng thời định hướng lựa chọn ngành nghề và chuẩn bị các điều kiện tiếp tục vào đại học. Việc ban hành phương án thi kịp thời giúp các trường phổ thông chủ động hơn trong tư vấn học sinh lựa chọn tổ hợp các môn học theo Chương trình GDPT mới.

Theo phương án Bộ GD&ĐT công bố, thí sinh thi bắt buộc 2 môn Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Phương án này được đông đảo phụ huynh, học sinh và xã hội đồng tình. Xét về mục tiêu, cấu trúc, Chương trình GDPT 2018 được thiết kế theo hướng phân hóa dần ở các lớp trên. Đến cấp THPT phát triển các kỹ năng, kiến thức cần thiết, đạt được hiểu biết chung về nghề nghiệp định hướng trong tương lai.

Do đó, giảm môn thi là cần thiết để học sinh phát huy sở trường, dành nhiều thời gian tập trung cho những môn mà bản thân có thế mạnh để định hướng nghề nghiệp. Cùng với việc giảm bớt áp lực cho nhiều phía, phương án này có đủ cơ sở để đánh giá chất lượng dạy - học trong trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục qua kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Thay đổi rõ nhất trong phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là Ngoại ngữ từ môn thi bắt buộc chuyển thành tự chọn. Tôi cho rằng, thay đổi này phù hợp với mục tiêu và cấu trúc Chương trình GDPT mới theo hướng phân hóa dần ở các lớp trên, đến cấp THPT đạt được hiểu biết chung về nghề nghiệp định hướng trong tương lai.

Khi học sinh đã định hướng được nghề nghiệp thì song song đó sẽ xác định mục tiêu, sự cần thiết của việc học ngoại ngữ để chuẩn bị vào đại học, hay chuẩn bị cho môi trường lao động sau tốt nghiệp THPT. Do đó, dù có là môn thi bắt buộc hay không, nhà trường vẫn phải hoàn thành mục tiêu dạy, học môn Tiếng Anh; chưa nói đây là xu thế tất yếu của sự phát triển, học sinh đủ hiểu biết để nhận thức điều này.

Năm 2025 là năm cuối kết thúc Chương trình GDPT 2006 chuyển sang Chương trình GDPT 2018. Việc triển khai thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có ý nghĩa rất lớn; được xem là dấu mốc để khẳng định kết quả quá trình đổi mới giáo dục, làm tiền đề tiếp tục đổi mới kỳ thi tiếp theo nói riêng và đổi mới giáo dục nói chung.

Để chuẩn bị tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, tôi cho rằng, các trường đại học cần sớm công bố phương án tuyển sinh theo định hướng này, giúp học sinh lựa chọn môn học ở THPT phù hợp với định hướng nghề nghiệp, từ đó có sự chuẩn bị và kế hoạch học tập phù hợp. Song song đó, giúp trường phổ thông có phương án sắp xếp tổ hợp môn, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn, tránh xáo trộn do các em thay đổi tổ hợp.

Với xét tốt nghiệp, để được xét công nhận, ngoài điểm bài thi, còn sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập của học sinh. Do đó, quá trình thực hiện cần khách quan, công bằng, đúng mục tiêu và yêu cầu trong đánh giá học sinh. Về nội dung này, đề nghị Bộ GD&ĐT chú trọng việc phân tích, đánh giá độ lệch điểm của các bài thi tốt nghiệp THPT so với kết quả quá trình học tập; chỉ đạo các giải pháp quản lý nhằm cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho cơ sở giáo dục đại học sử dụng trong tuyển sinh.

Đối với địa phương, để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025, trước mắt tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm tạo đồng tình, ủng hộ của phụ huynh, cộng đồng. Đồng thời, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin để tiếp cận phương án thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm từ sau năm 2030. Chuẩn bị đội ngũ và các điều kiện để tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp THPT thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay.

GD-ĐT cần đổi mới mạnh mẽ để thích ứng với tác động sâu rộng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là sự phát triển đột phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Giáo dục cần tiên phong trong chuyển đổi số; sớm phát triển giáo dục số, thông minh, cá nhân hóa; giáo dục gắn với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chang-duong-moi-cua-doi-moi-giao-duc-post667088.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chang-duong-moi-cua-doi-moi-giao-duc-post667088.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chặng đường mới của đổi mới Giáo dục