Chấp nhận thiếu sót... còn hơn chép văn mẫu

09/08/2022, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 21/7/2022, Bộ GD&ĐT có Công văn 3175 yêu cầu các sở GD&ĐT thực hiện dạy học và kiểm tra đánh giá theo Chương trình 2018. Việc có một công văn riêng dành cho môn Ngữ văn đã nói lên tầm quan trọng của yêu cầu đổi mới phương pháp và kiểm tra, đánh giá với môn học này.

Cần chuyển từ dạy học theo lối giảng văn sang dạy học đọc hiểu theo thể loại và kiểu văn bản; từ việc chủ yếu thầy cô giảng giải cho học sinh nghe sang tổ chức các hoạt động học tập để học sinh làm việc, tự khám phá ra nội dung, ý nghĩa, cái hay, cái đẹp của văn bản, từ đó hình thành cách đọc theo thể loại và kiểu văn bản. Học sinh cần đọc và tiếp xúc với văn bản.

Giáo viên không đọc thay, cảm thụ hộ, nói hộ, làm hộ; không áp đặt ý kiến của mình. Thay vì chủ yếu giảng giải, thuyết trình cho học sinh nghe, giáo viên cần giao nhiệm vụ, tổ chức cho học sinh làm việc, yêu cầu học sinh trình bày kết quả và trao đổi, thảo luận. Trên cơ sở đó, giáo viên tổng kết, nâng cao và bổ sung thêm bằng ý kiến của mình.

Giáo viên cần tập trung dạy học sinh cách viết, cách nói và nghe. Chú ý rèn luyện cho học sinh cách nghĩ, tư duy, thông qua việc tìm ý, lập dàn ý cho một đề văn. Rèn luyện cách diễn đạt, trình bày ý kiến của mình từ đúng đến hay.

Trong dạy viết và nói cần yêu cầu học sinh có suy nghĩ độc lập, nói đúng suy nghĩ, cảm nhận của riêng mình, không nói theo, không chép lại ý và văn của người khác. Cần chấp nhận một thực tế, có thể học sinh viết ngắn, viết chưa hay, có thiếu sót... còn hơn chép lại của người khác. CTNV 2018 yêu cầu “cần tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, biết cách trích dẫn văn bản của người khác, tránh đạo văn”.

CTNV 2018 yêu cầu cán bộ quản lý nắm vững đổi mới về phương pháp dạy học môn Ngữ văn để tạo điều kiện, ủng hộ và khuyến khích, động viên giáo viên đổi mới cách dạy. Cần yêu cầu giáo viên và Tổ Ngữ văn trao đổi làm rõ về đổi mới cách dạy theo yêu cầu phát triển năng lực; thấy được những điểm kế thừa và điểm cần thay đổi, điểm mạnh, yếu của mỗi giáo viên so với yêu cầu mới. Tổ chức cho giáo viên Ngữ văn xem xét, phân tích điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường để đề xuất hướng khắc phục tạo điều kiện hỗ trợ đổi mới cách dạy và học.

Chấp nhận thiếu sót... còn hơn chép văn mẫu ảnh 2

Những giờ Văn thú vị, để học trò được sáng tạo tại Trường THPT Anh Sơn 1. Ảnh: NVCC

Lưu ý về kiểm tra, đánh giá

Cũng như vấn đề phương pháp dạy học, CTNV 2018 và Công văn 3175 của Bộ đã nêu lên định hướng rất rõ về kiểm tra, đánh giá. Ở đây xin lưu ý thêm một số điểm.

Trước tiên, cần nắm vững yêu cầu của kiểm tra, đánh giá theo hướng năng lực với môn Ngữ văn là những gì. Theo cấu trúc chương trình, môn Ngữ văn học đọc hiểu, viết, nói và nghe. Như vậy, kiểm tra, đánh giá cũng cần bám sát những gì đã học (học gì thi nấy); theo đó cần kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản; năng lực viết (tạo lập) và năng lực nói - nghe.

Việc kiểm tra năng lực nói và nghe nên thực hiện bằng hình thức đánh giá thường xuyên. Yêu cầu kiểm tra năng lực văn học (cảm thụ, phân tích, đánh giá) cần tích hợp vào các yêu cầu đọc hiểu và viết. Tùy vào mục đích và tính chất mỗi bài kiểm tra mà xác định nội dung cần đánh giá (đọc hiểu, viết hay cả hai). Trong các bài kiểm tra định kỳ quan trọng cần đánh giá được cả kỹ năng đọc hiểu và viết. Số lượng bài kiểm tra tuân thủ quy định của các cơ quan chỉ đạo dạy học.

Tiếp đó, cần xác định cách thức kiểm tra, đánh giá phù hợp. Theo CTNV 2018: Đánh giá định kỳ thường thông qua các đề kiểm tra hoặc đề thi viết. Đề thi, kiểm tra có thể yêu cầu hình thức viết tự luận; có thể kết hợp hình thức trắc nghiệm khách quan và hình thức tự luận để đánh giá đọc hiểu và yêu cầu viết bài văn theo từng kiểu văn bản đã học trong chương trình. Mỗi hình thức kiểm tra có ưu điểm và hạn chế riêng, cần vận dụng phù hợp với mục đích và tính chất mỗi bài kiểm tra.

Tập trung đổi mới cách ra đề. Đề kiểm tra hoặc đề thi Ngữ văn cần đánh giá đúng được năng lực người học, khuyến khích sáng tạo, chống được việc chép lại văn mẫu... Muốn thế khi thiết kế đề kiểm tra cần chú ý hai yêu cầu: Đổi mới cách hỏi, cách nêu vấn đề buộc học sinh phải suy nghĩ, suy luận; tránh lặp lại các yêu cầu quen thuộc, cũ mòn, nhàm chán...; Yêu cầu học sinh vận dụng những gì đã học vào tình huống mới, ngữ liệu mới tương tự các văn bản trong SGK nhưng chưa dạy và học trên lớp.

Để thực hiện đổi mới đánh giá theo yêu cầu của CTNV 2018 và Công văn 3175, trước hết các cán bộ quản lý các cấp (Bộ, sở, phòng, trường...) cần quán triệt sâu sắc các yêu cầu đổi mới kiểm tra đã nêu; coi đó là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để chỉ đạo dạy học; để yêu cầu giáo viên thực hiện và xem xét, phê duyệt các đề kiểm tra, đề thi Ngữ văn; khuyến khích giáo viên sáng tạo, đổi mới cách ra đề...

Bộ GD&ĐT, các nhà trường cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giải thích về mục tiêu, nội dung và cách thức kiểm tra, đánh giá mới để học sinh, phụ huynh và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội được biết, thấu hiểu, đồng tình với cách đổi mới này.

Trong mấy năm qua, việc kiểm tra, đánh giá kết quả môn Ngữ văn của Bộ GD&ĐT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc đưa yêu cầu đọc hiểu văn bản ngoài SGK và viết nghị luận xã hội vào đề văn ở các kỳ thi quan trọng là một bằng chứng. Chỉ có yêu cầu viết nghị luận văn học vẫn chưa đổi mới, vẫn yêu cầu viết lại các tác phẩm đã học. Vì thế, việc học thuộc, chép lại văn mẫu, dạy và luyện thi theo lối học tủ, đoán mò... vẫn chưa được khắc phục. Với các yêu cầu, định hướng của Chương trình 2018 và Công văn 3175 của Bộ GD&ĐT, hy vọng sẽ khắc phục được hạn chế vừa nêu, mang lại một sức sống mới cho bộ môn Ngữ văn.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chap-nhan-thieu-sot-con-hon-chep-van-mau-post603560.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chap-nhan-thieu-sot-con-hon-chep-van-mau-post603560.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chấp nhận thiếu sót... còn hơn chép văn mẫu