Ông Nguyễn Hòa Bình mong đại biểu Quốc hội tuân thủ nguyên tắc nêu trên, tránh trường hợp có đơn đề nghị Chánh án chỉ đạo giải quyết vụ án. "Nhiều người có trách là vì sao không chỉ đạo, nhưng tôi nói là nếu chỉ đạo thì đã vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án"- Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh.
Tại phiên chất vấn, đại biểu QH Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đặt câu hỏi về những khó khăn, giải pháp liên quan đến tổ chức phiên tòa trực tuyến. Trả lời đại biểu, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021, TAND Tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến; đồng thời tổ chức tập huấn, yêu cầu các địa phương có phiên tòa trực tuyến mẫu để các thẩm phán nghiên cứu.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn
Báo cáo về kết quả cụ thể, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết đến nay, có tổng cộng 647 tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 5.404 vụ án (hình sự 4.379 vụ; dân sự 220 vụ; hành chính 342 vụ; hôn nhân và gia đình 97 vụ; lao động, kinh doanh thương mại 13 vụ; các loại vụ việc khác 353 vụ).
Về khó khăn đang gặp, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh một trong những vấn đề lớn nhất là kinh phí. Hiện nay, các tòa đã tổ chức trực tuyến đều tận dụng cơ sở vật chất sẵn có, đáng chú có tòa án mang tivi ở nhà lên để xét xử. Trong các vụ án hình sự, không chỉ phía tòa án mà các trại giam cũng chưa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để phục vụ việc xét xử trực tuyến.
TAND Tối cao đã đề xuất Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên tòa xét xử trực tuyến. Cùng với đó, ngành tòa án sẽ đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng điều hành các phiên xử trực tuyến.