Chi hơn 10 tỷ đồng cho con đi du học rồi về nước, vợ chồng Trung Quốc lại bạc đầu lo việc của con

Đinh Anh, | 15/08/2023, 11:22
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dẫu con trai đã 30 tuổi nhưng vợ chồng dì Cẩm Giang (Trung Quốc) vẫn phải lo cơm từng bữa cho con trai. Bởi anh chẳng kiếm được công việc nhằm có thu nhập kể từ khi du học trở về.

Một số bậc phụ huynh cho rằng con cái được đi du học tương đương nắm chắc cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Nhưng thực sự có phải du học sinh nào cũng có thể làm được điều đó?

Đối với những người có tài năng thực sự, du học chẳng khác nào mở ra cho họ một chân trời mới, mở rộng tầm nhìn, nâng tầm hiểu biết. Nhưng cũng có một số người đi du học để lấy danh tiếng rồi mang đến gánh nặng tài chính cho cha mẹ.

Dì Cẩm Giang (45 tuổi, Thượng Hải, Trung Quốc) đã chi đến 3 triệu NDT để cho con trai được đi du học. Nhưng sau khi về nước, tương lai của anh không được như những gì cha mẹ và bản thân kỳ vọng.

Làm giàu để có tiền cho con đi du học

Làm việc cùng nhau trong một nhà máy sản xuất giày được 3 năm, vợ chồng dì Giang bị sa thải do công ty phá sản. Không nản lòng cũng chẳng thất vọng, hai vợ chồng dì quyết tận dụng những kinh nghiệm đã có để mở một xưởng đóng giày nhỏ.

Nhờ kinh doanh dựa trên chất lượng sản phẩm, cùng các mối quan hệ mà chồng dì Cẩm Giang tích lũy được, chẳng mấy chốc, xưởng có thể mở rộng quy mô. Và họ thành lập được công ty đóng giày của riêng mình.

Kể từ khi có công ty riêng, vợ chồng dì Giang trở thành gia đình khá giả trong vùng. Họ xây nhà, mua xe và nâng cao chất lượng đời sống. Vòng tròn bạn bè của vợ chồng dì vì thế cũng chất lượng hơn, chủ yếu là những gia đình có điều kiện.

Bất kỳ bữa tiệc nào, bạn bè của vợ chồng dì Giang đều khoe rằng con cái họ đang học ở nước ngoài. Khi nhắc đến vấn đề này, ông bố bà mẹ nào cũng đầy vinh dự. “Tôi cảm thấy các con được đi du học trở thành một biểu tượng của địa vị. Không chỉ chứng tỏ con cái họ học giỏi, điều này còn cho thấy gia đình có tiềm lực tài chính”, dì Giang chia sẻ.

Sau khi nghe nhiều về chuyện cho con đi du học, vợ chồng dì Giang cũng mong muốn con mình được hưởng những điều kiện đó.

Con trai dì Giang là một cậu con trai khá nghịch ngợm và không chịu học hành. Vợ chồng dì luôn lo lắng về kết quả học tập của con. Bởi nếu cứ tiếp tục như vậy cậu rất khó có thể vào được đại học.

Lúc này, vợ chồng dì Giang quyết định đầu tư để cho con trai đi du học. Gia đình dì Giang hy vọng cho con vào môi trường mới sẽ có nhiều cơ hội thay đổi tương lai.

Chi hơn 10 tỷ đồng cho con đi du học rồi về nước, vợ chồng Trung Quốc lại bạc đầu lo việc của con - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

“Chúng tôi nghe thấy nhiều người nói rằng những du học sinh trở về nước về cơ bản đều tìm được việc làm. Điều này càng thôi thúc tôi can đảm cho con đi du học”, dì Giang nói.

Chật vật tìm việc sau 8 năm du học về nước

Để việc chuẩn bị cho con đi du học diễn ra nhanh chóng, vợ chồng Cẩm Giang đã ủy thác toàn bộ thủ tục cho một người bạn. Dì Giang cho biết hai vợ chồng đã chi rất nhiều tiền để con có thể hoàn tất thủ tục một cách nhanh chóng.

Theo đó, chi phí học tập ở nước ngoài là 400.000 NDT/năm, bao gồm tiền học, sinh hoạt phí, chi phí ăn ở và chi phí đi lại. Ở thời điểm đó, do công việc làm ăn thuận lợi nên việc lo liệu khoản tiền này tương đối dễ dàng với vợ chồng dì.

Sau khoảng 6 tháng chuẩn bị, cuối cùng, cậu con trai cũng có thể lên đường đi du học. Ở năm học đầu tiên, mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Đến Tết sau đó, anh con trai về chơi trong niềm tự hào của vợ chồng dì Giang. Bởi từ khi đi du học, con trai dì trở nên trưởng thành hơn, biết suy nghĩ cho bố mẹ.

“Tất cả người thân đều ghen tị với vợ chồng tôi. Bởi họ nghĩ rằng tương lai ở phía trước của con trai tôi rất rộng mở. Chính chúng tôi cũng cảm thấy mình quá may mắn khi có quyết định đúng đắn”, gia đình dì Giang nói.

Sau khi học xong cấp 3, con trai dì Giang tiếp tục học lên đại học. Sau 8 năm anh về nước với niềm hy vọng sẽ tìm được công việc xứng với 3,2 triệu NDT (hơn 10 tỷ đồng) mà bố mẹ đã đầu tư cho ăn học ở nước ngoài.

Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Khi trở về Trung Quốc, anh gặp rất nhiều trở ngại. Theo học ngành khoa học máy tính ở nước ngoài, khi đem bằng tốt nghiệp đến các công ty xin việc, anh chủ yếu nhận về những cái lắc đầu từ chối do thiếu kinh nghiệm thực tế. Anh cũng chủ động nộp đơn xin việc online nhưng cũng chẳng nhận được thư mời đến phỏng vấn.

Chi hơn 10 tỷ đồng cho con đi du học rồi về nước, vợ chồng Trung Quốc lại bạc đầu lo việc của con - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Theo lời khuyên của nhiều người, anh tìm và nộp đơn tại những công ty nhỏ. Nhưng chỉ làm được vài tháng, anh cũng nhanh chóng nghỉ việc do không đáp ứng được công việc.

Với thực tế đó, con trai của dì Giang dần mất đi sự tự tin. Anh thường trốn trong phòng và dành phần lớn thời gian cho những trò chơi trực tuyến nhằm quên đi thực tế khó khăn.

Thấy con trai như vậy vợ chồng dì Giang cũng chỉ biết động viên chứ không dám thúc ép. Bởi dì biết rằng con trai mình thay đổi như vậy chỉ vì không tìm được công việc phù hợp.

2 tháng rồi đến 3 tháng con trai vẫn trốn mãi trong phòng, vợ chồng dì Giang cũng sốt ruột. “Thử nghĩ xem, chúng tôi đã bỏ hơn 3 triệu NDT để cho con đi du học nhằm có tương lai rộng mở. Nhưng giờ đây nó lại không thể tìm được việc làm, cái mất nhiều hơn cái được”, dì bày tỏ.

Chia sẻ thêm, dì Giang cho biết gia đình cũng động viên con trai tìm thử công việc ở một lĩnh vực khác. Tuy nhiên, cũng chỉ được một thời gian, anh lại nghỉ việc với lý do không phù hợp. Đã 30 tuổi, song đến nay vợ chồng dì Giang vẫn lo cơm từng bữa cho con trai.

“Tôi lo cho con trai đến bạc cả tóc. Chi đến hơn 3 triệu NDT để cho con du học, giờ đây, chúng tôi thực sự hối hận”, dì Giang ngậm ngùi chia sẻ.

Hiện gia đình dì đang tiếp tục đầu tư khoảng 500.000 NDT để con trai mở một cửa hàng điện thoại di động nhằm có công ăn việc làm, tự nuôi sống được bản thân.

Tại sao các du học sinh rơi vào tình cảnh này?

Thực tế, câu chuyện con trai dì Cẩm Giang không phải là trường hợp duy nhất cho con đi du học về nước vỡ mộng vì khó xin việc. Nguyên nhân của những trường hợp này đa phần đến từ việc du học sinh có tham vọng quá lớn khi về nước.

Chi hơn 10 tỷ đồng cho con đi du học rồi về nước, vợ chồng Trung Quốc lại bạc đầu lo việc của con - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Nhiều du học sinh sau khi về nước cho rằng với bằng cấp của mình phải làm việc ở những công ty, tập đoàn lớn và không để những công ty nhỏ. Tham vọng quá cao khiến nhiều người loay hoay không tìm được việc trong thời gian dài.

Thêm nữa, việc thiếu kinh nghiệm làm việc, kiến thức chuyên môn chưa đủ vững chắc cũng là lý do khiến các bạn du học trở về gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, nhiều cha mẹ cho con đi du học nhưng lại không suy xét kỹ đến ngành học đó có phù hợp với thị trường lao động trong nước hay không. Đến khi trở về, du học sinh tìm việc khó khăn vì ngành học không phù hợp. Đây chính là thực trạng mà nhiều du học sinh gặp phải.

Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích của việc đi du học. Với những du học sinh biết tận dụng cơ hội, bạn sẽ được mở mang tri thức, mở rộng tầm nhìn, kết bạn với bạn bè 4 phương…

Tuy nhiên, trước khi đưa quyết định cho con đi du học, các bậc cha mẹ cần lên kế hoạch kỹ lưỡng, suy xét nhiều mặt, tránh để trường hợp tiền mất tật mang.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chi hơn 10 tỷ đồng cho con đi du học rồi về nước, vợ chồng Trung Quốc lại bạc đầu lo việc của con