Bộ kit xét nghiệm của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á
Khi kiểm tra giá hiệp thương, Bộ Y tế xác định Việt Á đã thay đổi nguyên vật liệu sản xuất so với hồ sơ đăng ký lưu hành nhưng không đề nghị kiểm tra. Việc này giúp cho Việt Á được sử dụng giá 470.000 đồng để tạo thành mặt bằng chung bán cho các địa phương, thu lời bất chính.
Sau khi hiệp thương, theo đề nghị của Bộ Y tế, Công ty Việt Á đã bàn giao kit xét nghiệm cho các đơn vị, địa phương trên cả nước sử dụng phòng chống dịch.
Với mục đích để Việt Á được thanh toán tiền mua kit xét nghiệm theo kết quả hiệp thương, làm căn cứ để công bố giá lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, Việt còn nhờ Nguyễn Văn Trịnh can thiệp, tác động Bộ Y tế thanh toán tiền. Sau khi cấp dưới tham mưu, bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã đồng ý dùng tiền từ nguồn tài trợ của 7 ngân hàng để thanh toán cho Việt Á.
Kết quả điều tra xác định năm 2020, 2021, tổng doanh thu của Công ty Việt Á là hơn 4.200 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Việt Á sản xuất tổng số 8,7 triệu kit xét nghiệm, tiêu thụ (bán, cho, tặng, ứng trước) 8,3 triệu kit xét nghiệm với tổng trị giá hơn 3.900 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra xác định Việt Á đã tiêu thụ gần 680.000 kit test tại các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 222 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tiêu thụ tại các đơn vị, cơ sở y tế công lập khác trên địa bàn cả nước gần 600.000 kit test, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước hơn 180 tỉ đồng.
Ngoài ra, Công ty Việt Á hưởng lợi bất chính hơn 1.200 tỉ đồng, là số tiền chênh lệch giá bán. Đến nay, số tiền cần phải thu hồi cho nhà nước là hơn 833 tỉ đồng.
Phan Quốc Việt bị xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu vụ án này trong suốt quá trình tham gia nghiên cứu, cấp lưu hành sản phẩm không thuộc sở hữu và nâng khống giá. Từ lợi nhuận thu được từ việc nâng khống giá kit xét nghiệm, Tổng Giám đốc Việt Á đã dùng số tiền rất lớn để chi hối lộ, "lót tay" cho hàng loạt lãnh đạo, cán bộ của một số bộ, ngành.
Cựu Bí thư tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng
Cơ quan điều tra cáo buộc, để được tham gia nghiên cứu đề tài, kinh doanh kit xét nghiệm, cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm, hiệp thương giá, bị can Việt đã đưa hối lộ 3,45 triệu USD và 4 tỉ đồng cho một số bị can.
Cụ thể là đưa hối lộ bị can Nguyễn Thanh Long 2,25 triệu USD; Nguyễn Huỳnh (cựu thư ký của bị can Long) 4 tỉ đồng; Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế) 300.000 USD; Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ phó Vụ KH-CN) 350.000 USD; Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế) 100.000 USD; Phạm Duy Tuyến (cựu giám đốc CDC Hải Dương) 27 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Việt còn chi tiền "cảm ơn" cho Chu Ngọc Anh 200.000 USD, Phạm Công Tạc 50.000 USD và Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư tỉnh Hải Dương) 200.000 USD.
Cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế Nguyễn Minh Tuấn
(trái) và cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến
Giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra đánh giá bị can Nguyễn Thanh Long thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án. Ngoài ra, ông Long đã nộp khắc phục số tiền nhận từ Phan Quốc Việt.
Ngoài những bị can bị xử lý hình sự, nhiều người khác cũng được xác định có liên quan đến sai phạm trong vụ án như 2 cựu thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và Trương Quốc Cường. Tuy nhiên 2 ông này không bị xử lý hình sự do không được hưởng lợi, không có động cơ cá nhân, vụ lợi trong vụ án.
Đề nghị khởi tố 38 bị can
Căn cứ tài liệu, kết quả điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị VKSND Tối cao truy tố 38 bị can. Trong đó:
- 2 bị can phạm tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ": Phan Quốc Việt (đưa hối lộ (làm tròn số) 106,6 tỉ đồng, gây thiệt hại tài sản nhà nước 432 tỉ đồng); Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á (đưa hối lộ 32,1 tỉ đồng, gây thiệt hại tài sản nhà nước 325 tỉ đồng)
- 6 bị can đã phạm tội "Nhận hối lộ": Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế (nhận hối lộ 2,25 triệu USD); Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương (nhận hối lộ 27 tỉ đồng); Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH-CN (nhận hối lộ 350.000 USD); Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trinh y tế, Bộ Y tế (nhận hối lộ 300.000 USD); Nguyễn Huỳnh - cựu Phó Trưởng Phòng Quản lý giá thuốc thuộc Cục Quản lý Dược, cựu Thư ký Bộ trưởng Bộ Y tế (nhận hối lộ 4 tỉ đồng); Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế (nhận hối lộ 100.000 USD).
- 2 bị can đã phạm tội "Đưa hối lộ": Phan Tôn Noel Thảo, cựu Kế toán trưởng Công ty Việt Á (đưa hối lộ 34 tỉ đồng); Hồ Thị Thanh Thảo, cựu Thủ quỹ Công ty Việt Á (đưa hối lộ 34 tỉ đồng).
- 2 bị can phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí": Chu Ngọc Anh (gây thiệt hại tài sản Nhà nước 18,98 tỉ đồng; Phạm Công Tạc (gây thiệt hại tài sản nhà nước 18,98 tỉ đồng).
- 21 bị can đã phạm tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng": Trần Thị Hồng, cựu nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á (gây thiệt hại tài sản nhà nước 319,3 tỉ đồng); Trần Tiến Lực, cựu nhân viên phụ trách vùng Công ty Việt Á (gây thiệt hại 121,9 tỉ đồng);
Ngụy Thị Hậu, cựu Phó trưởng phòng Phòng Tài chính Kế toán CDC Bắc Giang (gây thiệt hại 105,6 tỉ đồng);
Phan Huy Văn, cựu Giám đốc Công ty Phan Anh (gây thiệt hại 104,9 tỉ đồng);
Phan Thị Khánh Vân, lao động tự do (gây thiệt hại 104,9 tỉ đồng);
Lâm Văn Tuấn, cựu Giám đốc CDC Bắc Giang (gây thiệt hại 98 tỉ đồng);
Lê Trung Nguyên, cựu nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á (gây thiệt hại 88 tỉ đồng);
Nguyễn Mạnh Cường, cựu Kế toán trưởng CDC Hải Dương (gây thiệt hại 73,8 tỉ đồng); Nguyễn Thị Trang, cựu Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính, Sở Tài chính Hải Dương (gây thiệt hại 73,8 tỉ đồng);
Tiêu Quốc Cường - cựu Kế toán trưởng, Phó trưởng Phòng Tài chính Kế toán, Sở Y tế Bình Dương (gây thiệt hại 55,7 tỉ đồng); Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương (gây thiệt hại 55,7 tỉ đồng); Trần Thanh Phong, cựu Phó trưởng Phòng Tài chính Kế toán CDC Bình Dương (gây thiệt hại 55, 7 tỉ đồng); Lê Thị Hồng Xuyên, cựu nhân viên CDC Bình Dương (gây thiệt hại 55,7 tỉ đồng);
Nguyễn Trường Giang, cựu Tổng Giám đốc Công ty VNDAT (gây thiệt hại 29,6 tỉ đồng); Nguyễn Thị Thủy, cựu Giám đốc dự án Công ty VNDAT (gây thiệt hại 29,6 tỉ đồng);
Nguyễn Văn Định, cựu Giám đốc CDC Nghệ An (gây thiệt hại 17,3 tỉ đồng); Nguyễn Thị Hồng Thắm, cựu Kể toán trưởng CDC Nghệ An (gây thiệt hại 17,3 tỉ đồng); Hồ Công Hiếu, cựu Thẩm định viên Công ty Thẩm định giả Miền Nam - Chi nhánh Nghệ An (gây thiệt hại 17,3 tỉ đồng);
Vũ Văn Doanh, cựu Giám đốc Công ty Thẩm định giá TVC (gây thiệt hại 14,8 tỉ đồng); Tạ Ngọc Chức, cựu Tổng Giám đốc Công ty Thẩm định Toàn Cầu (gây thiệt hại 4 tỉ đồng); Ninh Văn Sinh, cựu Phó Giám đốc Công ty Thẩm định giá Trung Tín (gây thiệt hại 2,5 tỉ đồng).
- 2 bị can phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ": Phạm Mạnh Cường, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương (gây thiệt hại 73,8 tỉ đồng); Nguyễn Văn Trịnh, cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ
- 2 bị can phạm tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi": Nguyễn Bạch Thủy Linh, cựu Giám đốc Công ty TNHH MTV SNB Holdings (trục lợi 6 tỉ đồng; Nguyễn Thị Thanh Thủy, cựu Chuyên viên Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (trục lợi 2 tỉ đồng).
- Riêng bị can Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét phê chuẩn quyết định thay đổi Quyết định khởi tố bị can số 11/QĐ-CSKT-P9 ngày 11-7; truy tố theo quy định của pháp luật.