Thống kê mới nhất từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), ước tính từ Điều tra quốc gia lần thứ 2 về lao động trẻ em, cả nước có hơn 1 triệu trẻ em trong độ tuổi 5 - 17 tham gia lao động, chiếm 5,4% tổng số trẻ em trong độ tuổi này. Trong số trẻ em tham gia lao động, hơn một nửa trong số này làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Phân nửa trẻ em tham gia lao động không đi học, trong đó có tới 1,4% chưa bao giờ đến trường.
Các nhà nghiên cứu khoa học chứng minh rằng tầm quan trọng của các kỹ năng và thực hành làm cha mẹ tích cực đối với sự phát triển thể chất, nhận thức, cảm xúc, tâm lý xã hội của trẻ em. Từ đó, một công cụ trực tuyến thiết kế cho nhu cầu của cha mẹ tại Việt Nam đã được ra mắt hồi tháng 4/2023.
Đó là các bài học trực tuyến cung cấp kiến thức, kỹ năng và cách tiếp cận hữu ích cho hành trình làm cha mẹ. Đây là sáng kiến của UNICEF, Bộ LĐ-TB&XH và các đối tác nhằm mở rộng chương trình Làm cha mẹ cho phát triển toàn diện trẻ thơ tại Việt Nam với nỗ lực thúc đẩy chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em trong giai đoạn đầu đời.
Đánh giá về hành trình này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, chúng ta từ lâu đã nhận thấy nhu cầu cấp thiết của việc chăm sóc toàn diện cho trẻ trong những năm đầu đời và tầm quan trọng không thể thay thế của việc thúc đẩy các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ…
Đây là một cánh cửa công nghệ số rộng mở, tạo ra cơ hội cần thiết, qua các cách tiếp cận phù hợp để đạt được sự phát triển và hạnh phúc của trẻ em nhằm góp phần thúc đẩy chương trình làm cha mẹ tại Việt Nam.
Ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh, việc sử dụng lao động trẻ em chỉ mang lại những lợi ích trước mắt, nhưng ảnh hưởng lâu dài về nhiều mặt. Trẻ em phải làm những công việc không phù hợp với độ tuổi, vừa gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần, vừa giảm cơ hội học tập. Gia đình và xã hội sẽ thiếu lực lượng lao động chất lượng cao trong tương lai.
Ông Nam cho rằng, một trong những “chìa khóa” quan trọng giải quyết tình trạng lao động trẻ em lúc này chính là giải pháp về tăng cường chất lượng giáo dục, sự tiếp cận giáo dục của các đối tượng trẻ em, nhất là trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và có nguy cơ trở thành lao động trẻ em.
Để giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em, Chính phủ Việt Nam đã và đang đang tập trung vào một số giải pháp cơ bản như thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông, chính sách xóa mù chữ và các chính sách bảo đảm công bằng về tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác.
Tăng cường các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo ở Việt Nam trong đó trẻ em là đối tượng ưu tiên. Đẩy mạnh các chương trình, dự án của Chính phủ và hợp tác với các đối tác quốc tế như ILO, UNICEF và các đối tác khác về cải thiện điều kiện, môi trường lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức.
Tạo nguồn sinh kế cho các gia đình, hỗ trợ trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp. Đổi mới truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em của chính quyền các cấp, trường học, các tổ chức xã hội, người sử dụng lao động, nhất là cha mẹ và trẻ em…