Nêu quan điểm, cô Nguyễn Thị Bích Hạnh - giáo viên Toán, Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) nhìn nhận, thầy cô cần giữ vững tâm lý, dạy học đi sâu vào bản chất, logic, khoa học giúp học sinh có kiến thức hệ thống, rèn luyện kỹ năng và tư duy.
Trong dạy học, ôn tập, ngoài các kỳ kiểm tra, thi tốt nghiệp THPT, thầy cô tìm hiểu thêm các kỳ thi riêng của trường đại học, kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ…; nghiên cứu cấu trúc, nội dung kiến thức và các kỹ năng cần thiết để giúp học sinh ôn tập theo nhu cầu nguyện vọng, năng lực, sở trường.
Để học sinh đạt được nguyện vọng tuyển sinh, việc cần làm sớm là tư vấn, định hướng nghề nghiệp; giúp học sinh đánh giá năng lực bản thân, sở trường và định hướng nghề nghiệp, tìm hiểu đề án tuyển sinh các trường quan tâm; xác định mục tiêu rõ ràng; lên kế hoạch ôn tập, rèn luyện phù hợp.
Cô Lan Hương - giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Bình Minh (Hoài Đức, Hà Nội) thì cho rằng, thầy cô cần có định hướng, phương pháp thúc đẩy động lực học tập của học sinh; vạch rõ các kiến thức cần phải học, ôn tập, tránh tình trạng học lệch, học tủ.
Trong dạy học, ôn tập, thầy cô chủ động, sáng tạo phối hợp các phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, tự lực, sáng tạo của người học; trang bị kỹ năng làm bài giúp học sinh tiếp cận với nhiều loại câu hỏi, dạng đề. Với học sinh, cần nhìn nhận đúng hơn về kỳ thi đánh giá năng lực và có kế hoạch học tập cụ thể.
Trước một số thay đổi phương thức tuyển sinh của một số trường đại học, cô Đinh Thái Hà - Trường THPT Mường Chiềng (Hòa Bắc, Hòa Bình) nhấn mạnh việc hỗ trợ học sinh làm quen với kỳ thi riêng, như thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… và tiếp cận với đề thi. Với các kỳ thi riêng, kỹ năng làm bài thi khá quan trọng.
Thầy cô có thể thiết kế bài kiểm tra thường xuyên để hỗ trợ học sinh phát triển kỹ năng này, cung cấp phản hồi đối với mỗi học sinh để có thể cải thiện kỹ năng làm bài. Ngoài ra, thầy cô linh hoạt trong phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và có thể tích hợp phương pháp giảng dạy mới, sáng tạo để thúc đẩy hiểu biết sâu rộng về kiến thức, thay vì chỉ tập trung vào sách giáo khoa.
Tăng cường sử dụng tài nguyên trực tuyến để hỗ trợ học sinh ôn tập và nắm bắt thông tin hiệu quả hơn. Thông qua các bài kiểm tra trực tuyến, đánh giá hiệu suất, tiết kiệm thời gian cho học sinh làm quen với hình thức kiểm tra đánh giá mới. Ngoài ra, tăng cường tư vấn, hướng nghiệp, giúp trò hiểu rõ hơn về ngành muốn đăng ký thi, cách thức thi cùng các thông tin liên quan đến kỳ tuyển sinh là không thể thiếu.
Mỗi kỳ thi có yêu cầu, cách thức tổ chức riêng nhưng ngân hàng câu hỏi được xây dựng trên nền tảng kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình giáo dục cấp học THPT. Vì thế, việc tập trung học tập, củng cố kiến thức cơ bản đóng vai trò quyết định hơn là trông chờ vào việc ôn luyện tại các trung tâm đang xuất hiện ngày một nhiều. - Cô Trần Thị Phương Mai