Mới đây, một tài khoản mạng xã hội có tên Hiền Ngọc đăng tải câu chuyện bản thân bị kẻ gian lừa hơn 300 triệu đồng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Chị kể lại:
“Sáng 21/10, tôi có nhận được một cuộc gọi đầu số 02, gọi đến họ giới thiệu là bên nhãn hàng điện tử có tiếng ở nước ta. Nhân dịp kỉ niệm ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, công ty có gửi tặng đại lý 1 món quà, bảo tôi kết bạn zalo để gửi danh sách quà tặng. Tôi được chọn một món quà và khi nhận hàng không phải thanh toán cước hay bất cứ chi phí gì cả.
Do nhà tôi bán hàng và cũng kinh doanh mặt hàng điện tử và đồ gia dụng nên tôi cũng không nghĩ gì, kết bạn với họ. Sau đó, họ gửi 1 bảng quà tặng và tôi có chọn quà là 1 bộ 3 nồi inox. Sau đó, họ hướng dẫn tôi cài đặt ứng dụng Telegram để nhận mã nhận quà... Sáng 22/10, tôi nhận được quà luôn.
Vì nhận được quà thật, tôi cũng không phải thanh toán bất cứ chi phí gì nên họ nói tôi chụp ảnh gửi trong nhóm nên tôi làm theo. Tại nhóm đó, có người xưng danh quản lý bảo tất cả các thành viên sau khi nhận được quà lần 1 sẽ có cơ hội nhận được thêm 1 phần quà giá trị bao gồm: máy rửa bát, tủ lạnh, ghế mát xa, máy giặt… và kèm theo có cơ hội bốc thăm trúng thưởng xe máy, vàng...
Người đó lại hướng dẫn chơi mini game đuổi hình bắt chữ để nhận quà, cứ đoán đúng là họ tặng cho 30.000 đồng vào tài khoản. Có khoảng 3-5 câu và họ hẹn đến 15h chiều 23/10 mọi người vào nhóm để dự sự kiện tri ân và bốc thăm trúng thưởng…”.
Đến 15h30 ngày hôm sau, chị Hiền Ngọc vào nhóm có hơn 100 thành viên thì thấy nhiều thành viên thi nhau khoe quà và tiền được tặng minigame. Họ lại bảo muốn nhận được quà từ công ty thì các thành viên phải giúp công ty hoàn thành nhiệm vụ tăng doanh số và công ty sẽ hoàn lại cả vốn lẫn lãi sau 3-5phút... Thấy các thành viên thi nhau chuyển khoản, sau đó nhận lại được hoa hồng và lợi nhuận ngay sau đó nên chị cũng theo.
Chị Hiển Ngọc đăng tải câu chuyện bị lừa đảo qua mạng. Ảnh chụp màn hình.
Mới đầu, chị chuyển vài trăm nghìn thì nhận lại được cả gốc lẫn lãi. Sau đến lệnh gần 2 triệu thì họ lại bảo cần làm đủ 3 nhiệm vụ mới nhận được cả tiền gốc và lãi, cộng với quà tặng đã chọn trước đó. Sau đó, họ cho chị sang một nhóm khác.
Sang nhóm này, có người bảo cần làm 3 nhiệm vụ để nhận được quà tặng mà chị đã chọn trước đó. Ban đầu, họ đưa bảng chuyển tiền ít nhất 6,999 triệu đồng. Chị không chuyển và được rất nhiều thành viên khác nhắn tin thúc giục vì bảo tất cả thành viên phải hoàn thành mới nhận được nhiệm vụ tiếp theo.
Vì nghĩ tiếc gần 2 triệu chưa nhận lại, chị chuyển tiếp 6,999 triệu. Tiếp đến, họ lại yêu cầu chuyển 21,999 triệu và chị thực hiện với mong muốn nhận lại tiền và quà. Cuối cùng, họ yêu cầu chuyển 89,999 triệu.
“Tôi không còn tiền và họ bảo nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ mất hết số tiền đã chuyển. Rồi tất cả thành viên trong nhóm đều chuyển và được nhận cả gốc lẫn lãi, còn gửi thêm địa chỉ để công ty gửi quà về. Tôi thấy vậy cũng đi vay tiền chuyển cho họ.
Sau đó, họ bảo chuyển tiền sai lệnh và quá thời gian chuyển tiền cần phải thực hiện chuyển tiền lại 1 lần nữa. Lúc này mất hơn 100 triệu cũng sợ chồng biết nên đã vay tiếp để chuyển thêm lần nữa. Họ lại yêu cầu chuyển thêm lần nữa vì nội dung chuyển tiền bị sai.
Tôi hoang mang tột độ và gọi điện cho họ xin lại toàn bộ số tiền đã chuyển, không cần quà nhưng họ lại bảo yên tâm, chỉ cần chuyển thêm lần nữa sẽ được hoàn lại tiền. Tôi cũng bảo giờ không thể vay ai được nữa, họ bảo sẽ bảo lưu đến sáng hôm sau. Hôm sau, tôi lại đi vay và chuyển nốt 89,999 triệu.
Sau khi chuyển thành công, họ báo đã nhận được và xin số tài khoản của của mình để hoàn lại tiền thì đợi mãi không thấy. Khoảng 15p sau, họ lại nhắn và gửi 1 hình ảnh trên máy tính là lỗi hệ thống do chuyển sai quá nhiều lần và tiếp tục yêu cầu tôi làm thêm 1 nhiệm vụ chuyển thêm 149,999 triệu nữa”, chị viết.
Lúc này, chị mới biết bản thân bị lừa và không chuyển tiền nữa. Số tiền đã mất, chị có trình báo cơ quan công an và đợi kết quả. Nhưng chị chia sẻ để mọi người cảnh giác vì chị biết rằng số tiền mất rồi khó có thể lấy lại.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều hình thức như: tuyên truyền trên các cơ quan báo chí; cảnh báo trực tiếp đến người dân, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người bị mắc lừa.
Để chủ động phòng tránh tội phạm lừa đảo, người dân khi sử dụng mạng xã hội cần nâng cao tinh thần cảnh giác và lưu ý 1 số điểm sau: Không nên kết bạn với người không quen biết, không nghe điện thoại khi thấy số điện thoại có đầu số lạ, nếu nghe thì không được làm theo hướng dẫn; Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như: số chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng,… cho bất kỳ ai, khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì; Không chuyển tiền, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản ngân hàng của cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai.
Không thực hiện yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội vì có thể kẻ gian hack nick; Không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn do đối tượng gửi đến qua tin nhắn.