Chính sách học phí: Chặn lạm phát theo kỳ vọng

21/01/2024, 06:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) trao đổi về chính sách học phí.

Với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, trên cơ sở xã hội hóa cần có sự đóng góp đáng kể của khu vực tư nhân thông qua chính sách học phí của người học. Theo tính toán của chúng tôi, mức độ đóng góp của khu vực tư nhân tăng đáng kể trong những năm gần đây đối với lĩnh vực này.

Hiện, giáo dục đại học có trường công, tư và cần đóng góp của người học thông qua học phí. Với một số trường theo cơ chế tự chủ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào xã hội hóa, bao gồm cả đóng góp học phí. Sức ép lạm phát hằng năm và tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, cải thiện cơ sở vật chất khiến các trường đại học phải tăng nguồn thu, trong đó có học phí, nhất là những trường có lộ trình thực hiện tự chủ một phần hoặc hoàn toàn.

Đây là một trong những lý do Chính phủ cho phép các trường tăng học phí năm học 2023 - 2024 so với năm trước nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81. Tôi cho rằng, quyết định này hài hòa giữa cơ sở đào tạo với người học, nhất là với những gia đình khó khăn. Quy định này cũng nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

- Vậy theo TS, việc điều chỉnh học phí có cần tính đến chỉ số giá tiêu dùng CPI và ngân sách Nhà nước, đảm bảo thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo?

- Tất nhiên phải tính đến các yếu tố này. Cần hiểu tường minh Nghị định 97 yêu cầu lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định 81. Theo đó, học phí năm học này được phép tăng so với năm trước nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81 để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên. Như vậy, Chính phủ đã có tính toán dựa trên trượt giá của các năm trước và không tạo ra áp lực với mức tăng học phí “đột biến”.

Đặt giả thiết, nếu lấy lộ trình tăng học phí của Nghị định 81 để áp dụng ngay trong năm học 2023 – 2024 thì mức tăng sẽ “nhảy vọt” và “sốc” do cao hơn nhiều so với quy định của Nghị định 97. Vì thế, tôi cho rằng, quy định về học phí trong Nghị định 97 khá hài hòa, phù hợp thực tiễn. Về mặt vĩ mô, Chính phủ đã xử lý khéo léo, giúp ổn định giá cả, không tạo áp lực với người học.

Một lớp học trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Đình
Một lớp học trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Đình

Tăng nguồn thu từ dịch vụ khác

- Về lâu dài, các cơ sở đào tạo cần tăng nguồn thu từ các dịch vụ khác, không thể phụ thuộc nhiều vào “học phí”?

- Theo tôi, giải pháp đầu tiên và thực tế nhất là, cần thay đổi cơ cấu nguồn thu. Muốn vậy, trước hết các trường phải công khai, minh bạch thu – chi và thực hiện nghiêm túc cơ chế 3 công khai. Nói cách khác, nhà trường phải có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội. Ví dụ, khoản nào chi cho nâng cao cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, hỗ trợ người học.

Nếu học phí là nguồn thu cơ bản nhưng nhà trường không tập trung cho người học, không mang lại giá trị gia tăng cốt lõi cho sinh viên từ kiến thức, kỹ năng, thái độ đến chuẩn đầu ra thì chưa phù hợp. Vì thế, cơ sở giáo dục đại học phải có trách nhiệm giải trình về nguồn thu học phí phục vụ người học thế nào? Hỗ trợ trở lại cho sinh viên ra sao, nhất là trường hợp khó khăn, yếu thế.

Ngoài ra, các trường phải đa dạng hóa và tiến tới tăng tỷ trọng từ nguồn thu ngoài ngân sách nhưng không phải học phí. Tuy nhiên, đây là câu chuyện lớn và tôi tin các trường đều trăn trở, tìm cách tháo gỡ. Từ nguồn thu ngoài học phí, các trường có thể thực hiện chiến lược “nâng hạng”, đầu tư theo chiều sâu hoặc vấn đề không liên quan trực tiếp đến phục vụ người học.

Mặt khác, còn tạo thương hiệu, hình ảnh và nền tảng để phát triển nhà trường trong tương lai. Đây là xu thế tốt, cần phát huy. Tuy nhiên, để làm được thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ đội ngũ, năng lực quản lý, thương hiệu, văn hóa làm việc của các trường đại học nói chung và văn hóa liên kết giữa nhà trường với cộng đồng, doanh nghiệp nói riêng.

Ngoài ra, cần “cú hích” từ phía Nhà nước, hướng đến ưu tiên các trường đại học, nhất là trường có chiến lược, mục tiêu nâng thứ hạng. Mặt khác, cần có chương trình khoa học công nghệ trọng điểm, với nhóm nghiên cứu, nhà khoa học đầu ngành, “đầu đàn”. Với nhóm này, Nhà nước nên ưu tiên “đặt hàng”, hỗ trợ kinh phí đầu tư khoa học công nghệ. Cùng đó, cần kết nối với khu vực doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn để thúc đẩy “đặt hàng” đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ và các sản phẩm dịch vụ khác.

- Xin cảm ơn TS!

“Giảm gánh nặng học phí cho người học cần nhiều giải pháp tổng hòa, không chỉ phụ thuộc vào sự năng động của cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Cần tạo môi trường, động lực cho các bên liên quan để đa dạng hóa nguồn thu cho cơ sở đào tạo. Qua đó, từng bước giảm áp lực tăng học phí”. TS Nguyễn Quốc Việt

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chinh-sach-hoc-phi-chan-lam-phat-theo-ky-vong-post668617.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chinh-sach-hoc-phi-chan-lam-phat-theo-ky-vong-post668617.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính sách học phí: Chặn lạm phát theo kỳ vọng