Trên cơ sở xác định thế mạnh, sở trường của bản thân thiên về các môn xã hội, tự nhiên hay công nghệ, nghệ thuật - dựa trên điểm trung bình môn học năm lớp 9, học sinh có thể kết hợp làm thêm các bài kiểm tra trắc nghiệm về tính cách để tìm ra định hướng nghề nghiệp phù hợp. Ngoài ra, việc tham gia các buổi tư vấn chọn nguyện vọng do các trường THPT tổ chức sẽ giúp phụ huynh và học sinh hiểu rõ hơn về cơ cấu tổ chức của nhà trường, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp.
Thông tin tổ hợp môn lớp 10 năm học 2022 - 2023 của Trường THPT Võ Văn Kiệt, TPHCM. Ảnh: Công Chương |
Có tổ hợp chỉ 2 học sinh chọn
Năm học 2022 - 2023, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) có tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 là 745 học sinh, với 17 lớp. Theo thầy Nguyễn Hùng Khương - Phó Hiệu trưởng nhà trường, trường xây dựng 15 tổ hợp môn học lựa chọn vào lớp 10. Trường vẫn đang thống kê tỷ lệ đăng ký vào các tổ hợp môn của học sinh. Trong đó, nhà trường cho học sinh đăng ký 2 nguyện vọng và cố gắng cho học sinh học đúng tổ hợp đã đăng ký ở nguyện vọng 1. Trường hợp số lượng đăng ký vượt quá sĩ số quy định, nhà trường sẽ làm việc lại với phụ huynh và học sinh để có sự sắp xếp sang một lớp tổ hợp khác phù hợp hơn.
“Tổ hợp có số lượng học sinh chọn nhiều nhất là: Vật lý, Hóa học, Địa lý, Tin học. Tổ hợp ít học sinh lựa chọn nhất, chỉ có 2 học sinh chọn là: Địa lý, Sinh học, Kinh tế pháp luật, Công nghệ...”, thầy Nguyễn Hùng Khương cho biết.
Sau khi có số liệu đăng ký các tổ hợp của học sinh, Trường THPT Bùi Thị Xuân sẽ hình thành nên các lớp, từ đó mới biết được môn này, môn kia cần bao nhiêu giáo viên... Sau đó, tổ chức họp với các tổ trưởng chuyên môn, để phân công giáo viên giảng dạy cho phù hợp. Đối với chương trình học tích hợp, việc lựa chọn tổ hợp đơn giản hơn.
Trao đổi về thắc mắc của một số phụ huynh và học sinh về băn khoăn “vào lớp 10, chọn nhóm môn rồi có được thay đổi hay không?”, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, theo Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT hướng dẫn “Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo sở GD&ĐT”. Do vậy, việc thay đổi sẽ do nhà trường quyết định. Tuy nhiên, từng trường có kế hoạch tổ chức giảng dạy, xây dựng cơ cấu lớp, quy định sĩ số lớp, phân công giáo viên, cơ sở vật chất... sẽ có những hướng dẫn cụ thể.
“Hiện nay, việc lựa chọn các bộ môn tự chọn của học sinh cần tập trung ở sự phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân và tổ chức của nhà trường. Sở GD&ĐT và trường sẽ hướng dẫn cụ thể sau khi Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn mới...” - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM trao đổi.