Tuyển sinh - du học

Chọn tổ hợp môn, ván bài định hình cánh cửa đại học

14/07/2025 16:37

Dù đã xuất hiện 4 năm nay, nhưng việc lựa chọn tổ hợp môn vẫn là điều rất mới đối với phụ huynh, học sinh, bởi đây là yếu tố quan trọng với các em khi chọn ngành, chọn trường đại học về sau.

Bối rối

Chị Nguyễn Diệu Thúy, Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, con gái chị vừa trúng tuyển Trường THPT Trần Phú, Cửa Nam. Trước khi nộp hồ sơ, nhà trường tổ chức 1 buổi gặp gỡ phụ huynh để thông tin về các tổ hợp môn lựa chọn (sau đây viết là tổ hợp). Năm học tới, trường có 5 tổ hợp gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học; Vật lí, Hóa học, Công nghệ, Tin học; Vật lí, Mĩ thuật, Địa lí, Hóa học; Địa lí, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Công nghệ, Hóa học; Địa lí, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Công nghệ, Vật lí.

Đến lúc này chị Thúy mới biết chương trình học của con khác xa chương trình trước đây. “Khi đọc thông tin, tôi bất ngờ và lúng túng. Việc lựa chọn tổ hợp này sẽ tác động tới thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học sau 3 năm tới của con như thế nào? Câu hỏi này tôi không thể trả lời”, chị Thúy nói. Nhiều phụ huynh có mặt tại buổi tư vấn của trường cùng chung cảm xúc khó khăn khi định hướng chọn tổ hợp cho con.

1.jpg
Học sinh thi lớp 10 THPT công lập năm 2025 tại Hà Nội. (Ảnh: Như Ý)

Khó khăn bởi việc lựa chọn này học sinh vừa chủ động vừa bị động. Chủ động chọn nhưng thực chất lại bị động bởi tổ hợp được nhà trường sắp xếp, học sinh chỉ được ăn “các món trên mâm” do nhà trường đã sắp sẵn. Học sinh còn bị động khi nhà trường chỉ có một số lớp nhất định cho mỗi tổ hợp, nếu số học sinh lựa chọn vượt đáp ứng của nhà trường, sẽ phải lựa chọn tổ hợp khác. Nhiều trường cho phép học sinh đăng kí tổ hợp môn lựa chọn theo nguyện vọng 1, 2… cũng xuất phát từ lý do này.

Anh Nguyễn Duy Hưng, Long Biên (Hà Nội) cho biết, trường con trúng tuyển có 8 tổ hợp. Trong đó tổ hợp Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học có 6 lớp; tổ hợp Địa lí, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Vật lí, Công nghệ có 3 lớp; 6 tổ hợp còn lại có 1 lớp/tổ hợp. Anh Hưng băn khoăn, với cách chia như thế, làm thế nào để con có thể theo học tổ hợp môn như mong muốn? Thậm chí, đăng kí vào tổ hợp có 6 lớp cũng chưa chắc đã có cơ hội vì chỉ tiêu là 270, nhưng hoàn toàn không biết trong số gần 700 học sinh trúng tuyển vào trường, nguyện vọng của từng em ra sao.

Chị N.T.H, Thanh Trì (Hà Nội) cho hay, trường THPT con gái vừa trúng tuyển lớp 10, có 2 lớp chất lượng cao học liên kết IELTS. Học sinh tự nguyện đăng kí theo nhu cầu. 15 lớp đại trà với 6 tổ hợp môn sẽ sắp xếp theo điểm trúng tuyển của học sinh vào trường. Như vậy, việc xếp lớp dựa vào điểm thi của thí sinh là chủ yếu. Chị H đặt câu hỏi, nhà trường dựa vào đâu mà xếp lớp theo điểm thi và tại sao học sinh chỉ được tự chọn trong bắt buộc?

Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Ðức cho hay, giáo viên trong trường luôn khuyên học sinh có năng lực khoa học tự nhiên mạnh dạn chọn các tổ hợp liên quan Vật lí, Hóa học, Sinh học, kết hợp với Văn, Toán, Ngoại ngữ để tạo ra các tổ hợp xét tuyển đại học phổ biến như A01 (Toán, Vật lí, tiếng Anh), B08 (Toán, Sinh, tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa, tiếng Anh)...

Chọn thế nào để không “việt vị”

Ghi nhận thực tế cho thấy, phụ huynh đang có cuộc đua ngầm trong việc chọn tổ hợp lớp 10 do quyền chủ động không phụ thuộc vào học sinh. Trong khi đó, tổ hợp môn phải đáp ứng đồng thời 3 điều kiện: học sinh đủ năng lực theo học, phù hợp thi tốt nghiệp THPT, đáp ứng yêu cầu tuyển sinh đại học. Thực tế có nhiều học sinh đến năm lớp 11 “đánh tháo” tổ hợp đã lựa chọn để chuyển hướng sang học tổ hợp khác phù hợp hơn.

Hoặc có thí sinh đến năm lớp 12 khi xét tuyển đại học mới hốt hoảng tổ hợp xét tuyển của ngành học mong muốn không có trong tổ hợp đã học 3 năm. Chị Trương Nguyệt Ánh, Hà Đông, Hà Nội có con vừa thi tốt nghiệp THPT cho biết, do tổ hợp môn học không có môn Sinh nên từ năm lớp 11, chị phải đầu tư con học thêm môn học này ở ngoài trường để sau con thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội lấy điểm xét tuyển đại học.

Năm học 2024-2025 tại Hà Nội, tình trạng học sinh muốn đổi tổ hợp môn học gần như ở trường nào cũng có. Nguyên nhân sau khi học một thời gian, học sinh nhận thấy không phù hợp, muốn đổi tổ hợp để phục vụ xét tuyển đại học sau này.

Theo lí giải của lãnh đạo các trường THPT khi xây dựng tổ hợp môn, ngoài căn cứ nguồn lực, cơ sở vật chất, các trường tìm cách cân bằng giữa sở trường, thế mạnh của học sinh với yêu cầu của các trường đại học.

Lãnh đạo một trường THPT tại Hà Nội chia sẻ, từ năm học này, các tổ hợp tự chọn ban xã hội của trường sẽ xây dựng theo quy tắc luôn phải có ít nhất 1 trong 4 môn tự nhiên là Vật lí, Hóa, Sinh, Tin. Việc nhiều trường đại học lớn bỏ xét tuyển tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) cho thấy xu hướng đào tạo của trường đại học đang có sự dịch chuyển để phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số, tích hợp công nghệ, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong đời sống xã hội. Bộ GD&ĐT cũng đang đẩy mạnh giáo dục STEM (kĩ thuật, công nghệ, khoa học, Toán học) trong giáo dục phổ thông.

Theo Tiền Phong
https://tienphong.vn/chon-to-hop-mon-van-bai-dinh-hinh-canh-cua-dai-hoc-post1759873.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/chon-to-hop-mon-van-bai-dinh-hinh-canh-cua-dai-hoc-post1759873.tpo
Bài liên quan
Chọn tổ hợp môn lớp 10 thế nào để không "việt vị" trong xét tuyển đại học
Việc chọn tổ hợp môn từ lớp 10 liên quan chặt chẽ tới kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học sau này của học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chọn tổ hợp môn, ván bài định hình cánh cửa đại học