Từ những kinh nghiệm của bản thân, Nga cho rằng sinh viên năm nhất chú tâm, để ý đến yêu cầu bài học sẽ phát huy khá nhiều khả năng như: Thuyết trình, lập kế hoạch môn học hay các kỹ năng liên quan đến tin học văn phòng… mà không bị áp lực hay cảm thấy chương trình quá nặng.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tham gia Hội trại sinh viên năm nhất K66. |
Tiền đề quan trọng
Theo TS Nguyễn Đình Liên (giảng viên Trường ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội), sinh viên năm đầu thường có tâm lý chủ quan, nhiều em chưa thực sự chú tâm vào việc học dẫn đến kết quả thấp, dẫu những năm học phổ thông các em có học lực rất tốt.
Do đó, trước khi nhập học, phụ huynh nên cùng con tìm hiểu chương trình học, những thay đổi trong môi trường mới. Các em có thể tham khảo người đi trước cách học hoặc môi trường học để có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng. Đồng thời, tân sinh viên cũng nên trang bị cho mình kỹ năng như giao tiếp, xử lý tình huống và đặc biệt phải bản lĩnh trước những cám dỗ.
“Sau khi nhập học, các em có thể tham gia hoạt động do các câu lạc bộ trong trường tổ chức để có cơ hội giao tiếp với các anh chị khóa trên nhằm học hỏi kinh nghiệm, phương pháp học tập. Những hoạt động này cũng giúp tân sinh viên có thêm kỹ năng mềm, năng động hơn. Bởi, để thành công sau khi tốt nghiệp đại học ngoài kiến thức nhà trường trang bị, các em rất cần những kiến thức - kỹ năng sống xã hội”, TS Liên nhấn mạnh đồng thời lưu ý: Với sinh viên ngành Y, đây là ngành đặc thù do kiến thức và kỹ năng sống - kỹ năng hoạt động xã hội rất quan trọng. Đó là nền móng cho những năm học tập tiếp theo và sau khi ra trường.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh, ngoài thời gian học trên giảng đường, các em cần biết tận dụng tối đa thời gian để học ở bệnh viện, thư viện. Ngoài tham gia hoạt động tình nguyện khám bệnh vì cộng đồng, mùa hè có thể xin đến các bệnh viện, phòng khám để học việc, như vậy sau khi ra trường bạn mới vững tay nghề, tự tin trong công việc. Dù học, thực tập có vất vả đến đâu nhưng tân sinh viên cần dành thời gian cho bản thân vui chơi, giải trí, thư giãn khoa học, lành mạnh như: Sinh hoạt nhóm, sinh hoạt cộng đồng...
Để tránh bỡ ngỡ trước những thay đổi, khi bước chân vào giảng đường đại học tân sinh viên cần chuẩn bị tâm lý, lập trường vững vàng; lập kế hoạch, quản lý thời gian khoa học. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức chương trình ngoại khóa, câu lạc bộ giúp sinh viên trau dồi kỹ năng cho học tập và cuộc sống. Tuy nhiên, các em cần sắp xếp việc học và tham gia hoạt động hợp lý, tránh ảnh hưởng đến kết quả học tập. - ThS Đặng Hương Giang (Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường ĐH Thủy Lợi 1)