Theo cô Giao, 100% học sinh dân tộc (Vân Kiều, Pa Cô), chất lượng đầu vào thấp, năng lực học tập hạn chế… nên tỉ lệ học sinh lớp 12 nguy cơ trượt tốt nghiệp nhiều năm qua lên tới 20%/tổng. Nhà trường đã quan tâm, chú trọng công tác ôn tập nhưng để giải quyết dứt điểm tình trạng điểm liệt thì chưa đạt kết quả mong muốn.
Học sinh Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn cùng nhau học nhóm. Ảnh: Ngô Chuyên |
Tại Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội), do Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sớm hơn nên công tác ôn tập cho học sinh lớp 12 đang diễn ra khẩn trương. Thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: Thời điểm này, học sinh yếu, có nguy cơ điểm liệt được chú trọng ôn tập với phạm vi kiến thức ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Cuối tháng 5, bước vào cao điểm ôn thi, thầy cô sẽ tích cực động viên học sinh yếu, kém đi học đầy đủ để củng cố kiến thức.
Theo thầy Tuấn, quá trình ôn luyện luôn có sự phối hợp từ ba vị trí. Giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm rà soát danh sách học sinh yếu, kém, có nguy cơ trượt tốt nghiệp; động viên học sinh tham gia ôn tập hiệu quả. Phụ huynh làm việc chặt chẽ với nhà trường, giáo viên để quản lý học sinh, theo sát quá trình tự học. Đồng thời, gia đình phản ánh kịp thời các yêu cầu về dạy học trong quá trình ôn thi tốt nghiệp THPT với nhà trường để có hướng khắc phục.
Học sinh được khuyến khích phản hồi với nhà trường về nội dung chương trình, phương pháp dạy học. Từ đó, ban giám hiệu, tổ chuyên môn, giáo viên điều chỉnh trong kế hoạch ôn tập để phù hợp với nguyện vọng, năng lực các em.
Thầy Hồ Đức Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Trạch (Hà Tĩnh), chia sẻ, sau khi có kết quả thi thử, trường phân nhỏ đối tượng học sinh theo nhóm giỏi, khá, yếu để điều chỉnh kế hoạch ôn tập phù hợp. Ban giám hiệu bố trí giáo viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết kèm học sinh yếu trên tinh thần vừa dạy vừa động viên, tìm ra phương pháp học tập linh hoạt.
Cùng đó, giáo viên phân nhỏ chủ điểm kiến thức và ôn theo phương pháp “nhích” từng điểm để học sinh nắm chắc từng đơn vị kiến thức. “Học sinh yếu, kém được quan tâm hơn ở chỗ giáo viên bám sát năng lực để ra bài, chữa bài và liên tục có định hướng ôn tập. Quá trình ôn tập trên tinh thần động viên, khích lệ, không tạo áp lực; Giúp học sinh dù học lực thấp nhưng bước vào kỳ thi với tâm thế thoải mái, tích cực”, thầy Cương cho hay.
Cô Nguyễn Thùy Giao cho biết thêm: Ngay sau khi có kết quả khảo sát đợt cuối lớp 12, trường sẽ nhóm số học sinh nguy cơ trượt tốt nghiệp thành 1 để ôn tập riêng tại trường ngoài giờ học chính khóa. Nội dung, vấn đề ôn tập tập trung vào kiến thức cơ bản nhất giúp các em vượt qua điểm liệt. Ngoài ra, giáo viên bộ môn sẽ ôn tập miễn phí theo hình thức trực tuyến cho học sinh yếu vào buổi tối trong tuần và thứ 7, Chủ nhật. Mỗi buổi ôn từ 1,5h-2h, học sinh nhà gần nhau tập trung theo nhóm để dùng chung thiết bị học trực tuyến. Việc ôn tập diễn ra đến sát ngày thi.
“Giáo viên, nhà trường luôn xác định ôn tập chống trượt cho học sinh yếu kém là nhiệm vụ quan trọng, các thầy cô đều quyết tâm đồng hành, hỗ trợ tối đa giúp học sinh vượt qua kỳ thi với kết quả tốt nhất…”, cô Nguyễn Thùy Giao khẳng định.