Theo ông Nam, hiện khối huy động vốn của Bamboo Capital đang làm việc với các tổ chức quan tâm tới các lĩnh vực của công ty, đặc biệt là hạ tầng và năng lượng, để tham gia vào tập đoàn với tỷ lệ sở hữu lớn, thành các cổ đông lớn.
Mặt khác, nếu thị trường thuận lợi, việc phát hành cho cổ đông hiện hữu cũng là một phương án nâng cao năng lực tài chính, giảm tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu xuống dưới 2 và từng bước dưới 1.
Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc điều hành, ông Phạm Minh Tuấn nói thêm, đối với mỗi loại hình kinh doanh, công ty sẽ xác định một phương án tăng vốn khác nhau.
Trong đó, đối với bất động sản, công ty chủ yếu làm việc với các tổ chức tài chính trong nước cho các dự án, cũng như phối hợp tài trợ cho người mua để tạo ra dòng doanh thu cho dự án, đồng thời đảm bảo tiến độ xây dựng phù hợp với cam kết.
Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ đại chúng hóa BCG Land để tạo tiền đề huy động vốn từ thị trường chứng khoán.
Theo thông tin lãnh đạo Bamboo Capital chia sẻ tại đại hội, hiện, BCG Land đã nộp hồ sơ, dự kiến IPO trong quý II này và sang quý III sẽ niêm yết lên sàn chứng khoán.
Chia sẻ về tình hình nợ và khả năng trả nợ của Bamboo Capital, ông Tuấn cho biết, năm 2022 trở lại đây, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đã giảm xuống và trong mức chấp nhận được, an toàn, công ty có tỷ lệ thanh toán đảm bảo, vẫn hoàn thành tốt nghĩa vụ trả nợ.
Theo cập nhật tại đại hội, Chủ tịch HĐQT công ty, ông Nam cho biết tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của công ty đang ở mức 1,04 và đặt mục tiêu giảm xuống quanh mức 0,5.