Điều nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân lo lắng nhất bây giờ là hai cháu nhỏ cần được đi học. Ảnh: HẢI HIẾU
Ở góc độ địa phương, ông Hà Thúc Liêu, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Liên Chiểu, cho biết đơn vị đã nắm rất rõ trường hợp này. Phòng cũng đã có văn bản gửi Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng xem xét.
“Tuy nhiên, sở lại giao về cho phòng, đề nghị phòng phối hợp với UBND và các đơn vị liên quan giải quyết. Sau khi có văn bản này, phòng đã xin ý kiến của lãnh đạo. Đáng lẽ cuộc họp liên ngành sẽ tổ chức vào thứ Tư tuần này (21-6), tuy nhiên do cấn lịch diễn tập phòng thủ nên phải dời lại, chắc chắn trước thứ Sáu tuần sau sẽ có cuộc họp giải quyết” - ông Liêu nói.
Tư pháp và công an truy tàng thư để giải quyết
TS Lê Thị Nga (Trường ĐH Luật, ĐH Huế) cho hay với trường hợp mà báo Pháp Luật TP.HCM thông tin, ngành chức năng của TP Đà Nẵng phải truy tìm thông tin từ người dì để xác định địa phương gốc, sau đó ngành tư pháp cùng với công an truy tàng thư để giải quyết.
Gia đình này hằng ngày vẫn đi nhặt ve chai nhưng không đủ sống, phải nhờ thêm vào sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Ảnh: HẢI HIẾU
“Nếu không nỗ lực, không có trách nhiệm phối hợp sẽ không giải quyết được. Các tổ chức bảo vệ trẻ em cũng cần phải vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho hai em nhỏ trong bài viết” - TS Nga nói.
Nói thêm về trường hợp hai em nhỏ trong bài viết, TS Nga cho biết hiện theo luật và nghị định có liên quan thì trẻ bị bỏ rơi có thể dễ dàng làm giấy khai sinh. Nhưng trường hợp này lại không thể là rất vô lý. Cần có một tổ chức có chức năng bảo đảm quyền trẻ em đứng ra chịu trách nhiệm cho những trẻ em rơi vào hoàn cảnh cha mẹ mất hoặc hạn chế năng lực hành vi như thế này.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, một gia đình gồm bốn người, không có giấy tờ nhân thân. Sau thời gian sống lang thang, họ đến ở tại một căn nhà hoang ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Hai bé trai (khoảng tám tuổi và bốn tuổi) không thể đi học vì không có giấy khai sinh. Người lớn bị bệnh không được chăm sóc sức khỏe tốt vì không có giấy tờ để có thể mua BHYT.