Trả lời vấn đề này, ông Thiều cho rằng, trước đây, các cơ quan tham mưu làm không quyết liệt, không đến nơi đến chốn nên hộ dân không chấp nhận tiền bồi thường, dẫn đến kéo dài 20 năm.
“Việc này kéo dài hơn 20 năm không phải lãnh đạo trước đây không quyết liệt, không cương quyết mà do các cơ quan tham mưu chưa thật sự đúng, chưa hợp lý. Hơn nữa, quy định về giải phóng mặt bằng chưa chặt chẽ như hiện nay. Đây là trách nhiệm của những người đi sau phải làm. Trước đã làm cơ bản rồi thì sau phải làm quyết liệt hơn để thông thoáng tuyến đường”, ông Thiều nói.
Theo ông Thiều, kinh nghiệm giải phóng mặt bằng phải làm đúng quy định, thực hiện đúng quy định từ tư vấn giám sát, các phương án giải phóng mặt bằng cho đến áp dụng giá (áp dụng một giá) thì người dân không thưa kiện.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ kinh nghiệm giải phóng mặt bằng tại cuộc họp báo.
“Giải phóng mặt bằng nghiêm túc là tính đúng tính đủ cho người dân. Cái nào có lợi cho người dân thì phải làm. Người giải phóng mặt bằng phải trong sạch, công tâm khách quan, đo đếm chính xác hộ nào ra hộ đó”, ông Thiều chia sẻ.
Trả lời câu hỏi việc giải phóng mặt bằng hộ dân nói trên đã được kiểm soát ở những cơ quan nào?, ông Thiều cho hay, tỉnh đã thành lập Tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND Thường trực làm tổ trưởng và cơ cấu UBND thành phố Bạc Liêu, công an, VKSND, Thanh tra tỉnh, tư pháp và các ngành chuyên môn của tỉnh để tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh.
“Quá trình thực hiện bồi thường cho hộ bà Hường là đúng quy định, đúng thời gian, thời điểm và được các cơ quan thẩm định”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định.