Chú trọng phát triển giáo dục mầm non cho học sinh DTTS

11/07/2023, 08:44
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những năm qua sự nghiệp giáo dục vùng DTTS đã nhận được sự quan tâm của của Đảng, Nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển

Chú trọng phát triển giáo dục

Tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 380.000 người dân tộc thiểu số, chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, tỉnh Thái Nguyên còn chú trọng phát triển giáo dục cho con em đồng bào, nhiều chương trình, chính sách ưu tiên đầu tư cho giáo dục ở vùng DTTS được triển khai kịp thời, hiệu quả.

Nhằm hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS phấn đấu hướng đến bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, qua đó ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai, thực hiện nhiều giải pháp thiết thực. Tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, đây là địa phương có 20 trường mầm non, trong đó có nhiều trường, điểm trường mầm non nằm ở vùng khó khăn của huyện, vùng DTTS. Để nâng cao chất lượng giáo dục, từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau, địa phương đã triển khai xây dựng, đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học tại các trường, điểm trường. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng đã và đang được bổ sung kịp thời để giảm bớt những khó khăn về nguồn nhân lực. Tính từ đầu năm 2022 đến nay toàn huyện đã thực hiện thuê khoán khoảng 1.200 định mức giáo viên giảng dạy và trên 1.700 định mức nhân viên nấu ăn cho các trường mầm non.

Cô giáo Hoàng Thị Mỹ Lệ - Hiệu trưởng Trường Mần non Liên cơ, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cho biết: " Để duy trì được công tác chăm sóc giáo dục trẻ thì vấn đề về nguồn lực giáo viên là một trong những giải pháp quan trọng, bởi nếu thiếu đội ngũ này thì sẽ không thể duy trì được công tác chăm sóc giáo dục trẻ tại nhà trường".

Triển khai chương trình giáo dục phù hợp

Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 248 trường mầm non, trong đó số trường mầm non tại vùng khó khăn là 50 trường với tổng số 553 lớp, nhóm lớp; tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường tại vùng khó khăn đạt 66,6%, toàn tỉnh vẫn còn trên 60 phòng học mầm non đang phải học nhờ hoặc mượn các phòng chức năng để tổ chức dạy học cho trẻ. Trước khó khăn này, tỉnh tập trung tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; triển khai chương trình giáo dục mầm non phù hợp với vùng khó khăn, phù hợp với đặc điểm tiếp nhận và văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ em; huy động các nguồn lực phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn.

Chú trọng phát triển giáo dục mầm non cho học sinh DTTS ảnh 1

Tỉnh Thái Nguyên đã tập trung tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, triển khai chương trình giáo dục mầm non phù hợp với vùng khó khăn và đặc điểm tiếp nhận, văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ.

Cô giáo Hoàng Thị Hồng Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Năm học 2022-2023, trường Mầm non Phú Tiến có 9 nhóm lớp với tổng số 214 học sinh. Trong đó, học sinh người DTTS chiếm 91,6%. Học sinh ở độ tuổi nhà trẻ mới bắt đầu quá trình học nói và khi vào lớp 1, hầu hết các em đã nói chuyện lưu loát. Tuy nhiên, đối với trẻ em vùng DTTS, việc nói tiếng Việt tương đối hạn chế. Vì thế, việc tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh được Nhà trường đặc biệt quan tâm, tạo nền tảng giúp trẻ học tốt ở bậc học cao hơn.

Tỷ lệ huy động trẻ ở độ tuổi nhà trẻ của Trường năm học 2022 – 2023 là 41/124 cháu, bằng 33,3%. Tỷ lệ huy động này so với các trường trong khu vực không thấp, song Nhà trường vẫn kiên trì các giải pháp tuyên truyền, vận động để phụ huynh cho con em đi học sớm, tạo nền tảng tốt hơn khi các con vào lớp 1. Thông qua sử dụng linh hoạt các thiết bị điện tử, phần mềm, tài liệu, tranh ảnh, đồ dùng, đồ chơi để nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho trẻ theo hướng tương tác “chơi mà học, học bằng chơi”.

Theo cô Hồng Anh, thời gian qua nhà trường đã triển khai nhiệm vụ trọng tâm của năm học và thực hiện thường xuyên liên tục qua các chủ đề, qua các lĩnh vực giáo dục để rèn luyện cho các cháu nói tròn vành rõ tiếng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục phát triển ngôn ngữ thực hiện lồng ghép tăng cường tiếng Việt cho trẻ trong tất cả các hoạt động".

Với quan điểm giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, hình thành những yếu tố căn bản về nhân cách cho trẻ em trước khi vào lớp một, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2030 có 96% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo tại các xã vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non, trong đó 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi. Tỉnh cũng phấn đấu trước năm 2030 sẽ xóa bỏ 100% phòng học nhờ, mượn; đồng thời, sửa chữa, xây mới đảm bảo đủ phòng học cho trẻ theo quy mô học sinh từng địa phương.

Bài liên quan
Tháo gỡ 3 'điểm nghẽn' giúp phát triển giáo dục Mầm non
3 "điểm nghẽn" trong phát triển giáo dục mầm non là nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên; tiếp cận giáo dục mầm non chưa bình đẳng…

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chú trọng phát triển giáo dục mầm non cho học sinh DTTS