Thời sự

Chùa cổ nghìn năm trên núi rồng lưu giữ những bảo vật độc nhất vô nhị

10/06/2024 16:57

Chùa Đọi Sơn không chỉ liên quan tới tích 'kim ngân điền' và lễ hội Tịch điền nổi tiếng trong lịch sử nhà vua đi cày ruộng.

Chùa Đọi Sơn còn có tên gọi khác là Long Đọi Sơn nằm trên đỉnh núi Đọi Sơn (Duy Tiên - Hà Nam), trên thế đất như một con rồng chín mắt nằm phục giữa vùng đồng bằng chiêm trũng, đầu nhô cao hướng về phía Thăng Long.

Chùa vua xây

Chùa Đọi Sơn không chỉ liên quan tới tích “kim ngân điền” và lễ hội Tịch điền nổi tiếng trong lịch sử nhà vua đi cày ruộng, nơi đây còn được ví như kho báu khảo cổ gắn liền với thời kỳ thịnh trị triều Lý.

Đến thời Hậu Lê, chùa Long Đọi Sơn đổi tên là Đọi Sơn. Có nhiều cách lý giải về cái tên Đọi Sơn mà nhân dân quanh vùng truyền nhau như: Do quả núi mà chùa ngự trông giống hình dạng cái bát úp (“bát” trong tiếng cổ có nghĩa là đọi).

Trong đợt khai quật cách đây hơn 20 năm, giới khảo cổ tìm được một nền móng tháp ngay phía sau thượng điện chùa. Đây có thể xem là bằng chứng xác thực về cây tháp cao ngàn trượng đẹp lộng lẫy như đã chép trong văn bia: “Tháp xây mười ba tầng chọc trời, mở bốn mươi cửa hóng gió.

Vách chạm rồng ổ, xà treo chuông đồng, tầng trên đặt hộp vàng xá lỵ đỉnh nóc xây tiên khách bưng mâm… tầng dưới chia tám tướng khôi ngô, đứng hộ vệ có thần nhân cầm kiếm.

Chính giữa đặt tượng Như Lai, sân thềm có bậc lang vũ 2 bên. Rồi bên tả chùa dựng cung tứ giác, bên hữu chùa dựng nhà khám nhọn vuông, trong đặt tân đầu hòa thượng”.

Cho đến nay, có nhiều cách lý giải về tên Đọi Sơn, nhưng nhiều người đồng tình cho rằng, bởi hình thế núi trông giống hình dạng cái bát úp (bát còn gọi là đọi). Chùa Đọi Sơn tựa lưng vào núi Ðiệp với ba dòng sông uốn khúc bao quanh.

Từ xa xưa, tín ngưỡng dân gian đã coi Đọi Sơn là trái “núi thiêng”. Thuyết phong thủy nói rằng nơi đây đất phát nghiệp bá vương: “Đầu gối núi Đọi, chân dọi Tuần Vường, phát tích đế vương, lưu truyền vạn đại”.

Các nguồn sử liệu xác định, chùa do vua Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng năm 1054, ban đầu chỉ được xây dựng với quy mô nhỏ. Lược sử ghi nhận, năm 1118 khi vua Lý Nhân Tông sau một lần xuôi theo dòng Châu Giang để ghé thăm núi Đọi, đã bị thu hút bởi cảnh sắc hữu tình của nơi đây và đặt tên cho chùa là Long Đọi Sơn. Vua cho dựng chùa bề thế, với ngọn tháp Sùng Thiện Diên Linh với ý nghĩa cầu thiện.

Chùa Đọi thời Lý được xếp vào hàng “Đại danh lam” kiêm hành cung. Nét đặc biệt nhất của quần thể di tích chùa Đọi Sơn phải kể đến là ngôi chùa và cây tháp Sùng Thiện Diên Linh được vua Lý Nhân Tông xây dựng.

Tuy nhiên, toàn bộ công trình kiến trúc đó sau này lại bị quân xâm lược nhà Minh phá hủy. May mắn còn sót lại tấm bia Sùng Thiện Diên Linh và 6 pho tượng Kim Cang Hộ pháp, tượng thần Kinaras.

Ngôi chùa cũng đã từng trải qua rất nhiều lần tu bổ vào các triều Hậu Lê, Mạc, Nguyễn. Lần tu bổ lớn nhất là vào thời Nguyễn, quy mô chùa trên 100 gian lớn, nhỏ, thiết kế kiểu nội công ngoại quốc trên đỉnh núi. Ngay cổng chính trước tòa tam bảo là nhà bia để tấm bia Sùng Thiện Diên Linh - ấn tích Phật giáo huy hoàng thời Lý, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Tam quan chùa Long Đọi Sơn.
Tam quan chùa Long Đọi Sơn.
Nhà bia - nơi đặt bia tháp Sùng Thiện Diên Linh do vua Lý Nhân Tông chỉ đạo tạo tác.
Nhà bia - nơi đặt bia tháp Sùng Thiện Diên Linh do vua Lý Nhân Tông chỉ đạo tạo tác.

Bia vua lập

Theo hồ sơ di sản, năm 2014 bia tháp Sùng Thiện Diên Linh được Thủ tướng công nhận là Bảo vật quốc gia, trở thành hiện vật lịch sử đầu tiên của tỉnh Hà Nam được công nhận bảo vật.

Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh hiện được đặt trong nhà bia kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái cong. Dòng lạc khoản văn bia cho biết, bia dựng ngày mồng 6 tháng 7 năm Tân Sửu, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ hai, triều vua Lý Nhân Tông (tức ngày 20/8/1121).

Mục đích dựng bia là để ghi dấu sự kiện khánh thành tháp Sùng Thiện Diên Linh, vì thế tên bia cũng là tên tháp. Hiện, cả nước chỉ còn 13 bia thời Lý, bia tháp Sùng Thiện Diên Linh là tấm bia trội vượt về nhiều phương diện: Kích thước lớn, cấu trúc hoàn thiện, hội tụ nhiều giá trị đặc sắc, độc đáo về lịch sử, văn hóa, tâm linh, văn học, nghệ thuật, cung cấp nhiều thông tin quý hiếm…

Bia Sùng Thiện Diên Linh cấu trúc gồm 3 phần: Bia, đài bia và đế bia đều được tạc bằng đá xanh. Bia khắc chữ cả hai mặt. Mặt trước tổng cộng có 4.257 chữ Hán; trán bia khắc dòng chữ: Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi. Lòng bia khắc bài ký và bài minh, cuối cùng là dòng lạc khoản ghi thời gian dựng bia, người soạn văn bia và viết chữ.

Mặt sau, độc đáo ở chỗ thể hiện nhiều nội dung, có niên đại khác nhau (năm 1121, 1591, 1698), đặc biệt là bài thơ của vua Lê Thánh Tông làm khi lên thăm chùa Đọi và năm 1467.

Bia Sùng Thiện Diên Linh là bia đá của triều đình, do đích thân vua Lý Nhân Tông chỉ đạo tạo tác nên khác hẳn các bia thời Lý khác do quan lại soạn, nhà sư hay dân địa phương chủ trì hưng công. Soạn bia là Triều liệt Hình bộ Thượng thư Nguyễn Công Bật, viết chữ để khắc là Thượng thư Công bộ Lý Bảo Chung.

Giá trị lịch sử thể hiện nổi bật trong văn bia khắc ở mặt trước, nhất là bài ký đã bổ sung những tư liệu lịch sử quý về cuộc đời và sự nghiệp của vua Lý Nhân Tông và Thái úy Lý Thường Kiệt. Cũng là đầu tiên và duy nhất, bài ký bia tháp Sùng Thiện Diên Linh nói đến việc tu sửa chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), miêu tả cụ thể về kiến trúc và cảnh quan.

Những đoạn chữ Hán khắc ở mặt sau của bia cung cấp tư liệu về việc Thái hậu Ỷ Lan (mẹ vua Lý Nhân Tông) tiến cúng ruộng cho chùa Đọi, việc trùng tu lớn chùa Đọi từ thời Mạc đến thời Nguyễn.

Bức tranh sinh hoạt văn hóa thời Lý nói chung, đời vua Lý Nhân Tông nói riêng được vẽ lên sinh động qua văn bia, cả sinh hoạt văn hóa cung đình và dân gian. Văn bia cũng cho thấy phần nào quy hoạch kiến trúc của kinh thành Thăng Long đời vua Lý Nhân Tông nói riêng, thời Lý nói chung.

Văn bia còn được đánh giá là một tác phẩm ngữ văn độc đáo khi dòng chữ trên trán bia ở mặt trước viết theo kiểu chữ “Phi bạch” do vua Lý Nhân Tông ngự đề. Theo văn bia, nhà vua rất giỏi thư pháp “Phi bạch” - kiểu chữ do Sái Ung thời Đông Hán (Trung Quốc) sáng tạo, vốn chuyên viết trên lụa trắng, được Lý Nhân Tông tiếp thu rồi biến thể mang dấu ấn riêng của nhà vua.

Giá trị vượt trội của bia tháp Sùng Thiện Diên Linh còn thể hiện qua các hình tượng mỹ thuật từ bốn phía. Hình tượng con rồng đan xen hoa văn mây bay, sóng nước và vô số chấm tròn chiếm vị trí chủ đạo được chạm khắc ở trán bia, diềm bia, thành bia và đài bia.

Nổi bật ở đây là hình tượng rồng ổ, rồng lớn, rồng nhỏ, rồng ấp giao hòa, hoan hỉ trong thủ pháp đối xứng qua một hình có thể là biểu tượng “trứng rồng”, gợi liên tưởng câu truyền ngôn “trứng rồng lại nở ra rồng”.

Ngự trên núi cao, dưới rừng cây cổ thụ nên chùa Long Đọi Sơn có cảnh quan yên bình.
Ngự trên núi cao, dưới rừng cây cổ thụ nên chùa Long Đọi Sơn có cảnh quan yên bình.
Bản phục chế 3D mô tả hoàn chỉnh Bảo vật quốc gia bia tháp Sùng Thiện Diên Linh.
Bản phục chế 3D mô tả hoàn chỉnh Bảo vật quốc gia bia tháp Sùng Thiện Diên Linh.

Và những bảo vật độc nhất vô nhị

Chùa Đọi Sơn là một trong số ít chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật mỹ thuật thời Lý giá trị như: Tượng Phật Di Lặc bằng đồng ở chính điện, pho tượng Kim Cương bằng đá, 4 pho tượng hình người có cánh... Trong số đó, Kim Cương tượng được giới nghiên cứu chú ý hơn cả. Những bức tượng này khoác lên mình trang phục giống như võ tướng oai hùng “thân mặc kim giáp, đầu đội kim khôi”.

Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: “Kim cương biểu hiện cho tâm trong sáng, không hủy hoại, kiên định trong tu hành. Y phục giáp trụ là áo nhẫn nhục, chống lại ba mũi tên độc tham, sân, si. Tháp Sùng Thiện Diên Linh của chùa Đọi Sơn không còn, nhưng các pho tượng Kim Cương vẫn được bảo tồn, dù không còn nguyên vẹn, một số bị mất đầu hoặc sứt mẻ”.

Kim Cương tượng không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ Chánh pháp, mà còn minh chứng cho sự hoàn mỹ về nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý. Tương truyền từ xa xưa, Đức Phật từng phái bốn vị Đại Thanh văn, mười sáu vị La Hán đến để hộ trì Phật pháp.

Bên cạnh họ còn có các vị Phạm Thiên, Đế Thích, Tứ Thiên Vương… nhân nghe Phật thuyết pháp mà nguyện hộ trì Phật pháp. Những vị này đều được gọi là thần Hộ pháp. Họ có nhiệm vụ, trách nhiệm bảo hộ chúng sinh, độ đời, tiêu trừ mọi tai họa, hàng phục ma chướng.

Trong các ngôi chùa Việt thường không đầy đủ các loại tượng này, mà chỉ hay tồn tại bốn loại hệ tượng là: Vi Đà Bồ tát và Tiêu Diện Đại sĩ; Khuyến thiện - Trừng ác; Tứ Thiên Vương và Bát bộ Kim Cương. Tượng Kim Cương chùa Đọi Sơn nằm trong hệ tượng Bát bộ Kim Cương hiếm gặp.

Kim Cương trong ý nghĩa nhà Phật nguyên là Kim Cương thủ - vị Bồ Tát có công bảo vệ Phật. Bất cứ ai tu thiền sẽ được thần Kim Cương gìn giữ bảo vệ, không bị ai phá hoại hoặc nhũng nhiễu, cho dù đó là người hay ma.

Vì là hiện thân Bồ tát nên các vị Kim Cương ở trong các kinh thư được mô tả không cầm binh khí mà mang kim cương chử. Thế nhưng, Bát bộ Kim Cương trong chùa Đọi Sơn được tạo tác không giống như kinh Phật. Các nhà nghiên cứu cho rằng, sự khác biệt đó là kết quả của quá trình giao thoa giữa Phật giáo với Lão giáo.

Khu trưng bày vật liệu, hiện vật khảo cổ tại chùa Long Đọi Sơn.
Khu trưng bày vật liệu, hiện vật khảo cổ tại chùa Long Đọi Sơn.

Bát bộ Kim Cương bài trí trong chùa như để bảo vệ Phật pháp, tín đồ và cơ sở thờ phụng. Tám vị thần có tên riêng là: Thanh Trừ Tai, Tích Độc Thần, Hoàng Tùy Cầu, Bạch Tịnh Thủy, Xích Thanh Hỏa, Định Trừ Tai, Tử Hiền Thần, Đại Thần Lực.

Hiện nay, trong các ngôi chùa Việt thường đặt đăng đối hai bên tiền đường, mỗi bên 4 vị Kim Cương. Tuy nhiên, trong các ngôi chùa thời Lý, các vị Kim Cương được đặt hai bên cổng của các tòa tháp Phật, quay mặt về bốn phương tám hướng. Thông thường, trong tám vị sẽ có ba vị tô mặt trắng nét mặt nhân hậu, năm vị tô mặt đỏ dữ tợn, thể hiện hai chức năng khuyến thiện và trừng ác.

Theo tư liệu còn lại ở chùa Đọi Sơn, 2 pho tượng trong Bát bộ Kim Cương được đặt dưới chân tháp Sùng Thiện Diên Linh. Tượng được tạc bằng sa thạch nguyên khối, với dáng võ quan dũng mãnh, đầu đội mũ có chỏm tròn trên đỉnh, bó sát đầu, ôm lấy hai bên mang tai cho đến tận cằm. Giữa trán và chóp mũ nổi lên những đường gờ tạo thành hình vòng nối xuống những bông hoa cúc cách điệu hai bên mang tai.

Thân tượng vận giáp trụ, bó sát người xuống tận dưới đầu gối, ngực áo có hai xoáy lớn, vai có hình mặt hổ phù, phía trước bụng có dải như hình chiếc khánh. Thân áo điểm những bông hoa cúc chạm nổi nhiều cánh. Chân đi hài cao cổ có mũi hơi cong.

Đại diện chùa Đọi Sơn cho rằng, Kim Cương tượng là một trong những cổ vật rất quý giá còn sót lại. Những nét hoa văn đặc trưng dưới triều đại nhà Lý thể hiện sự hưng vượng về nghệ thuật và chính trị, mang đậm nền văn hóa Đại Việt.

Tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy không gian lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn” diễn ra mới đây tại Hà Nam, PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng: “Đọi Sơn là một trong những hòn núi thấp, như cô đơn, đột ngột nổi lên giữa một vùng nông nghiệp mênh mông. Nó như một trục vũ trụ, nối trời với đất, hút sinh khí của trời cha, truyền vào lòng đất mẹ. Nếu không có núi Đọi, không có lễ hội Tịch điền. Núi Đọi nằm giữa vùng lãnh thổ gốc của người Việt xưa. Đặc biệt, nơi đây còn là vùng đất liên quan chặt chẽ đến vua Lê Đại Hành - vị vua đầu tiên với những luống cày tâm linh trong lịch sử dưới chân núi Đọi”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chùa cổ nghìn năm trên núi rồng lưu giữ những bảo vật độc nhất vô nhị