Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dân tộc

Đức Trí | 29/11/2022, 19:58
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giáo viên người dân tộc thiểu số quan trọng trong phát triển giáo dục dân tộc.Trước đổi mới giáo dục việc nâng chất đội ngũ này cần được quan tâm.

TS Trần Thị Yên, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng trước yêu cầu đổi mới giáo dục, đội ngũ giáo viên tiểu học người DTTS cần được đào tạo nâng chuẩn, đồng thời căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp để đào tạo phù hợp, tương xứng.

Các trường sư phạm cần nghiên cứu đưa vào nội dung, chương trình đào tạo đặc thù. Nội dung đào tạo đối với giáo viên dạy vùng DTTS trong các trường sư phạm cần phản ánh những vấn đề trong mối liên hệ với thực tiễn giáo dục ở từng vùng, tiểu vùng DTTS. Cần đào tạo đội ngũ giáo viên tiểu học công tác ở vùng DTTS đủ kiến thức, năng lực thực hiện giảng dạy được nội dung các loại sách giáo khoa cho học sinh DTTS…

Phương pháp và hình thức đào tạo cần gắn với các nhà trường và tăng thực hành trong các nhà trường. Vì đối tượng giáo viên người DTTS được đào tạo là những giáo viên đang thực hiện giảng dạy ở các nhà trường tiểu học, do đó thời gian đào tạo cũng cần đặc biệt quan tâm với hình thức phù hợp.

Quản lý các trường dạy học sinh DTTS cũng mong muốn việc bồi dưỡng cần quan tâm về dạy học tích hợp ở một số môn học như tiếng Việt, tiếng dân tộc, văn hóa dân tộc, dạy học trong môi trường đa văn hóa. Cần bồi dưỡng kiến thức ở một số môn học tự chọn; bồi dưỡng kiến thức về tâm lí học sư phạm, chú trọng tâm lí lứa tuổi trong đó quan tâm đến tâm lí của học sinh người DTTS vừa đáp ứng theo chuẩn nghề nghiệp vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Phương pháp hình thức bồi dưỡng hiệu quả nhất đối với giáo viên người DTTS đó là “nghiên cứu bài học”, đây là hình thức bồi dưỡng tại chỗ theo đơn vị trường học lấy đơn vị tập thể sư phạm từng trường tiểu học làm nòng cốt như là “tế bào” đơn vị thao tác của hoạt động bồi dưỡng giáo viên…

Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dân tộc  ảnh 2

Dạy học sinh DTTS đòi hỏi sự yêu nghề, thấu hiểu, kiên nhẫn của mỗi giáo viên. Ảnh: Đức Trí

Theo thầy Dương Văn Đông, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh, Hà Giang) việc bồi dưỡng kèm cặp theo hình thức rèn nghề cũng cần thiết, hiệu quả. Có thể áp dụng với giáo viên mới ra trường, những giáo viên đang dạy học nhưng còn yếu chuyên môn.

Với giải pháp này, tại trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long, Ban giám hiệu sẽ phân công giáo viên cốt cán có tay nghề vững vàng, kinh nghiệm thực tiễn cao trực tiếp hướng dẫn từ việc soạn bài đến việc lên lớp. Tạo điều kiện cho giáo viên dự giờ các giáo viên dạy giỏi và nghe tổ chuyên môn, đồng nghiệp góp ý rút kinh nghiệm. Dự giờ, và đóng góp ý kiến hoàn toàn trên tinh thần xây dựng, hỗ trợ không nhằm đánh giá vào thi đua…

Tuy nhiên, trong điều kiện chung còn khó khăn, thầy Đông cho rằng đội ngũ giáo viên DTTS để đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì cần chủ động, tích cực thực hiện tự bồi dưỡng. Như vậy sẽ chiếm lĩnh được tri thức và có thể giải quyết hiệu quả những vấn đề khúc mắc trong công tác giảng dạy của bản thân

Giải pháp bồi dưỡng theo phương pháp từ xa cũng đối với đội ngũ giáo viên DTTS cũng có tác dụng nhất định. Đây không chỉ là phương thức bồi dưỡng ít tốn kém mà còn phù hợp với điều kiện hoàn cảnh tự học của giáo viên vùng dân tộc. Tất nhiên, để triển khai các trường và giáo viên cần tính đến những vùng và tiểu vùng còn khó khăn, hệ thống thông tin và điện lưới chưa ổn định….

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chuan-hoa-doi-ngu-giao-vien-dan-toc-post617089.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chuan-hoa-doi-ngu-giao-vien-dan-toc-post617089.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dân tộc