GS.TS Nguyễn Hoàng Yến – nguyên Phó Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam, đưa ra câu hỏi với Ban soạn thảo: Mức độ của Chương trình là mới hoàn toàn hay chỉ điều chỉnh bổ sung - cảm nhận về bóng dáng GDPT (môn Toán). Vì tiếp cận năng lực nên đi theo cách làm của GDPT và như vậy có những nội dung kiến thức năng lực đưa vào khiến trẻ bị già hóa.
Chương trình cũng chưa nổi bật những văn hóa truyền thống của Việt Nam. Có nên không khi đưa ra phẩm chất, năng lực mà chỉ đặt ra những mục đích cụ thể. Vì sao để làm những chương trình như thế này mà không có một chương trình/đề tài đo về sự phát triển của trẻ em Việt Nam? Những chỉ số phát triển của trẻ em trong các nghiên cứu trước đã quá cũ.
GS.TS Nguyễn Hữu Châu – nguyên Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam cho rằng, chương trình tính khoa học rất cao, nội dung đầy đủ, nhưng kiến nghị cách sắp xếp lại: Mục tiêu chương trình không phải vấn đề chung, cần tách ra; Tổ chức quản lý không phải điều kiện, không nằm trong phần điều kiện. Làm thế nào để có giáo dục tiểu học tốt nếu không có GDMN chất lượng.
“Không nên dạy trẻ tự hào bản thân, quá tự hào thì không có gì phấn đấu. Các nước dạy trẻ cảm giác mãnh liệt về bản thân nhưng người ta dạy trẻ tự tin về bản thân. Những tuyên bố nên rõ ràng, mạch lạc, đừng lẩn tránh. Mầm non là học để lên tiểu học thành công nhưng học một cách nhẹ nhàng. Nên bắt đầu bằng hình ảnh chung về đứa trẻ. Các môn học sẽ theo đó đóng góp hình thành nên trẻ”, GS Châu nhấn mạnh.
TS Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học kiến nghị: Những phần liên quan đến nghiên cứu lý luận nên tách ra khỏi nội dung chương trình. Những quan điểm phải được làm rất rõ. Thuật ngữ “Hình thành và phát triển”, nhiều chuyên gia cho rằng dùng “hình thành” là không đúng, có thể theo hướng cực đoan là nhào nặn đứa trẻ. Giai đoạn chuyển tiếp nên viết thẳng là chuẩn bị vào học lớp 1.
Ở nhiều quốc gia, mầm non nằm trong trường tiểu học, không phổ thông hóa mầm non, có thể dạy những kiến thức nhưng theo cách phù hợp. Mục tiêu có thể làm rõ vấn đề này. Phương pháp tiếp cận trong giáo dục theo từng giai đoạn lứa tuổi cần được làm rõ. Đến 5 tuổi phải quan tâm đến chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Có thể tách giai đoạn này ra và hướng đến những vấn đề cụ thể trẻ cần đạt được để học lớp 1.
Từ thực tế dạy học và với kinh nghiệm làm việc với các trường mầm non và nghiên cứu từ các nước phát triển, TS Bảo Ngọc từ Vinuni nêu một số vấn đề cần chú ý: Quan điểm về học dựa trên việc vui chơi sẽ dẫn đến chúng ta dạy cái gì và dạy như thế nào; Dạy ngôn ngữ sớm không phải theo cách tiểu học dạy mà dạy thông qua tương tác với mọi người.
Ban soạn thảo đã cập nhật rất tốt các chương trình quốc tế, nhưng với Việt Nam cần tính đến bối cảnh của quốc gia mình, chương trình đang thiếu bản sắc văn hóa Việt Nam. Ban soạn thảo có thể đưa 17 mục tiêu phát triển bền vững vào quan điểm xây dựng chương trình. Không phải mục tiêu nào cũng phù hợp với trẻ MN nhưng có những mục tiêu có thể ứng dụng.
Tại hội nghị vừa được tổ chức tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam vào tháng 7/2022, các chuyên gia tiếp tục có những đóng góp quan trọng. Theo như Dự thảo Chương trình Giáo dục mầm non mới, sẽ kế thừa cấu trúc Chương trình GDMN (2021) và Chương trình GDPT hiện hành (2018) và tham khảo bài học chung từ rà soát cấu trúc các Chương trình GDMN quốc gia của một số nước tiên tiến. Dự kiến cấu trúc của Chương trình GDMN mới với một số điểm điều chỉnh/ bổ sung mới như sau: Quan điểm/ cách tiếp cận/ nguyên tắc xây dựng Chương trình - Tiếp cận năng lực; lồng ghép Quyền trẻ em; Lấy trẻ em làm trung tâm; Toàn diện; Liên thông; Mở… Để hoàn thiện Dự thảo Chương trình GDMN mới, Ban soạn thảo đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của các chuyên gia giáo dục mầm non, các nhà quản lý giáo dục và nhà trường.