Chuyện chưa kể về Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Tài thao lược hơn người

Nguyễn Tuấn Khang | 03/08/2022, 14:58
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Danh nhân Nguyễn Bá Lân ngoài tài năng thơ phú còn là một nhà chính trị - quân sự, một vị tướng tài có công giúp dân, giúp nước. Con đường binh nghiệp của ông gắn liền với những trận đánh tiễu trừ giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi đất nước.

Quân của ông tiến đến bờ bắc Vĩnh Động thì thấy có bóng người, nhìn sang bên Hoa Lâm thì thuyền bè liên tiếp, nhà cửa san sát nhưng không thấy bóng người qua lại, nhìn kỹ và bắn súng thử dò xem rồi sang đó đi bộ, lâu lâu mới thấy người Hoa Lâm khúm núm tới hầu. Hỏi thì mới biết giặc Mật vốn mượn đất này tiến vào xã Sách Phần Sùng. Khi lên, chúng dựng đồn lớn, để làm nơi trú quân.

Qua một tháng không thấy tin tức, quân của ông tiến đến Vạn Pha thì quân giặc đã chạy trốn hết, chỉ thấy người Vạn ấy cúi lạy và nói rõ tình hình giặc. Ông theo đó đặt đồn trú quân để làm thế với đội Hoa Lâm lại cho gộp các lính khách chiêu mộ được, đặt làm đội lục hợp, sai họ làm đội vận tải lương thực ở phía dưới, còn phía trên mua vỏ gai, xa nhân, sáp ong ở vùng Hưng Hóa. Qua đó, người buôn bán qua lại. Quân dân tụ họp lại thành nơi đô hộ nhỏ, quân giặc cũng biệt tăm, đường thủy, đường bộ thông hành.

Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 3, năm Nhâm Tuất (1742), giặc ở Sách Phần Sùng lại bung ra. Minh Đô Vương chúa Trịnh Doanh lại sai ông Nguyễn Bá Lân cùng 3 đạo quân hợp sức đánh kẹp lại. Ông cùng Vệ Vũ hầu tham mưu theo đường ngòi cống mà tiến quân. Khi đi vào được Sách Phần Sùng thì giặc Mật trốn theo đường Quan Gia, Tứ Động không biết đi đâu nên ông lại rút quân về Chầu Hầu.

Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4, năm Quý Hợi (1743), giặc Mật tiếp tục phá Mộc Châu và chiếm đất ấy. Phụ đạo châu ấy về kinh Đô kêu bày, Minh Đô Vương chúa Trịnh Doanh lại sai ông đưa quân đi đánh. Đến nơi, ông đặt 2 đồn lớn ở Thái Bạt để dần dà tính kế tiến đánh. Do được tin giặc sai một chi đẳng do tên Đỗ Kiều xuống đóng ở Thời Viên lên đất Mộc Châu nên ông em trai là Nguyễn Kim Luyện đem nửa số quân, sai người dân Mộc Châu dẫn đường lập tức bao vây chặn đứt đường thượng du, không cho chúng thông tin. Vây được 3 ngày, quân giặc yếu thế bỏ cả khí giới xin hàng. Ông sai quân đóng cũi lũ ấy giải về kinh sư

Trước những công trạng của ông, chúa Trịnh Doanh bàn xét mấy lần quân công thăng cho ông lên Hàn lâm viện thị độc, gia phong tước Bá, lại gia ơn thăng chức Tế Tửu Quốc Tử Giám. Lại vì có quân công nên phong thăng là Hàn lâm viện thừa chỉ.

Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 5, năm Giáp Tý (1744), chúa Trịnh Doanh bổ dụng ông làm Lưu thủ Hưng Hóa nhưng vẫn đóng trụ sở Thái Bạt. Bấy giờ, thế nước lụt khó tiến đánh. Bỗng giặc Tương ở Vĩnh Đồng tràn tới vùng núi khiến quan quân rút chạy. Ông Bá Lân lại vâng mệnh chúa đem quân bản đạo giáp công. Đi tới nơi giặc đã rút về sào huyệt nên ông đưa công văn cho quan Chánh sai rút về nơi đóng quân. Nhân thấy Bất Bạt nhiều người bán rẻ ruộng tư nên ông cho thu mua được 60 mẫu rồi sai người làm ruộng tích lúa, để tính việc tiến đánh giặc.

Niên hiệu Cảnh Hưng, năm Mậu Thìn (1748) - Kỷ Tỵ (1749), giặc Ngũ dùng người Mộc Hoàn dẫn đường, chờ lúc ban đêm đến đốt phá nhà ông Nguyễn Bá Lân cùng nhân dân trong xã không còn sót thứ gì. Trong những ngày tiến quân ở rừng núi, có kẻ báo cáo lên là trong quân của ông có người cướp bóc của dân nên ông bị giáng xuống chức Hàn lâm viện thị giảng, lại bị quan Tể Tướng đương thời ghen ghét.

Chuyện chưa kể về Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Tài thao lược hơn người ảnh 3

Bên cạnh tài năng thơ phú, Nguyễn Bá Lân còn được sử sách ghi chép lại là một vị tướng có tài thao lược hơn người. Tranh vẽ minh họa.

Bấy giờ 4 châu ở Cao Bằng bị giặc chiếm cứ hơn 3 châu, Quan trấn chỉ còn trị được nửa châu ở Thạch Lâm, triều đình liên tiếp sai 3 người làm Đốc trấn nhưng họ đều tình nguyện chịu tội chứ không đi.

Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 11, năm Canh Ngọ (1750), ông Nguyễn Bá Lân nhận được tờ sai của chúa Trịnh Doanh đi đánh giặc ở Cao Bằng. Thấy thế, ông xin vâng mệnh không nửa lời từ chối. Chúa khen ngợi ông dũng cảm rồi thăng lên chức “Đông các thị thư” thống lĩnh đội tả tượng ra đi. Ông mộ được hơn 170 quân sĩ dũng cảm, tháng 11 lên đường qua các địa phương kinh Bắc, Lạng Sơn. Ông nghe có người Cao Bằng lánh nạn bèn mời tới nơi vỗ về bảo họ trở về quê.

Trong thời gian trấn ải, ông Nguyễn Bá Lân mưu lược, đánh bại đội quân của Lý Văn Tài (Trung Quốc) dấy binh ở Thông Nông hợp sức với các tên Quang Vũ, Thất Quý, Bát Cổ trong đội quân đạo tặc làm loạn ở Cao Bằng.

Khi tiến đánh các đồn luỹ giặc, Nguyễn Bá Lân chỉ huy quân sĩ từ trong đánh ra, ngoài đánh vào. Đặc biệt, dùng tình họ hàng đối với những người đã trót theo giặc để vận động họ làm nội ứng.

Sau khi lấy lại toàn bộ đất Cao Bằng, ông dùng tất cả thóc gạo, trâu, ngựa và vũ khí thu được ở các đồn luỹ chia cho dân. Đồng thời tuyển dụng những viên quan cần mẫn để trấn trị từng vùng, từng bản.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-chua-ke-ve-luc-bo-thuong-thu-nguyen-ba-lan-tai-thao-luoc-hon-nguoi-post603037.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-chua-ke-ve-luc-bo-thuong-thu-nguyen-ba-lan-tai-thao-luoc-hon-nguoi-post603037.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện chưa kể về Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Tài thao lược hơn người