Cũng nhờ linh hoạt vận dụng các hình thức mà cô Lan và học trò ngày càng tương tác tích cực hơn. Trước kia, cô được phân công phụ trách lớp nhà trẻ ở điểm bản Phình Cứ, nơi có 100% người Mông sinh sống. Lúc đầu, cô không chỉ gặp khó khăn trong giao tiếp với trẻ mà còn bất đồng ngôn ngữ với phụ huynh bởi nhiều người dân.
“Đầu năm học, tôi phải làm quen dần với trẻ, sử dụng ngôn ngữ hình thể, giao tiếp từng từ, nhắc đi nhắc lại 1 từ, cụm từ để trẻ hiểu. Bản thân cũng tự học tiếng Mông từ trưởng bản, phụ huynh để dịch song song 2 ngôn ngữ. Nhờ đó đến nửa kỳ I của năm học, cô và trò đã hiểu nhau hơn, giao tiếp được nhiều hơn”, cô Lan cho hay.
Dạy tiếng Việt cho trẻ qua các bài thơ, bài hát… |
Trường Mầm non xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo cũng có gần 100% học sinh dân tộc Mông. Phần lớn trẻ ở nhà đều giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, khi đến trường, các em đều bỡ ngỡ với tiếng Việt. Do đó, trong giờ học và các hoạt động, cô giáo thường sử dụng tiếng mẹ đẻ để giúp trẻ hiểu ý nghĩa rồi từ đó diễn giải sang tiếng Việt.
Cô Hiệu trưởng Nguyễn Hương Diễm chia sẻ: “Với đặc thù trên, trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, nhà trường luôn chú ý tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Chúng tôi thực hiện lồng ghép dạy trẻ trong các hoạt động hằng ngày, bao gồm cả tiếng địa phương để trẻ được đọc, phát âm, nói bằng 2 thứ tiếng. Qua đó, trẻ cũng hào hứng, hiểu và nhớ bài hơn”.
Không những vậy, nhà trường cắt dán, in các chữ cái tiếng Việt tại khu vui chơi, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời, cây xanh, cây hoa để trẻ có thể luyện phát âm mọi lúc, mọi nơi. Các cô còn khuyến khích trò giao tiếp bằng tiếng Việt. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, nhà trường yêu cầu giáo viên chú trọng rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, mở rộng vốn từ tiếng Việt cho trẻ.
“Các cô lồng ghép dạy tiếng Việt cho trẻ mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt, giáo viên còn làm đồ dùng, đồ chơi theo chủ đề các tiết dạy gắn với chữ cái tiếng Việt cho trẻ. Có thể kể đến vòng quay chữ cái/chữ số, bàn tay chữ cái, bông hoa chữ cái... với các trò chơi “ong tìm chữ”, “hái quả”, “săn tìm chữ cái”...
Các em thường xuyên được tham gia trò chơi, hoạt động ngoài trời, học song ngữ (tiếng Mông - tiếng Việt) qua bài thơ, câu chuyện. Trường chúng tôi cũng có thư viện, góc chơi, lớp có nhiều đầu sách để trẻ tiếp cận nhiều hơn với tiếng phổ thông”, cô Cao Thị Nhung, giáo viên nhà trường cho biết thêm.
Mỗi trường sẽ có những đặc thù riêng, bởi vậy cách làm, giải pháp có thể khác nhau nhưng đều hướng đến mục tiêu làm sao để trẻ hiểu và giao tiếp tốt tiếng phổ thông, tiếp thu bài học ngày càng tốt hơn, nâng cao chất lượng dạy và học.