Tôi luyện trong khói lửa
Quá trình nắm tình hình, các chiến sĩ được biết trong khu vực cháy có 1 bồn gas khoảng 20 tấn, 1 kho chứa hợp chất thủy ngân, 1 kho vật tư rất lớn của Công ty Động Lực cùng 60 hộ dân xung quanh, nếu không ngăn chặn được ngọn lửa thì hiểm họa sẽ rất khôn lường. Lúc đó trên mỗi xe chữa cháy đều có mặt nạ phòng độc dành cho người lính. Tuy nhiên vụ cháy này thời gian diễn ra dài, có rất đông cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy nên phương tiện phục vụ chiến đấu nhanh chóng tiêu hao. “Đám cháy lan rất lớn và có nhiều tiếng nổ trong đám khói dày đặc, khói tới mức anh em chúng tôi đứng cách nhau vài mét mà đôi khi còn không thể nhìn thấy nhau. Suốt 3 tiếng đồng hồ dập lửa tôi cảm thấy mình xuống sức trông thấy. Khi phát hiện cấu kiện sắp sập đổ, chúng tôi nhận được lệnh rút ra ngoài. Tuy nhiên, rút ra gần đến nơi thì tôi thấy tức ngực, khó thở…” - Thượng úy Nguyễn Văn Mạnh nhớ lại.
Nét mặt rắn rỏi của người lính cứu hỏa giúp chúng tôi phần nào hiểu được sự quả cảm của các anh khi đối diện hàng giờ đồng hồ với ngọn lửa dữ dội trong vụ cháy tại Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông lúc đó. Trong quá trình chữa cháy, Thượng úy Nguyễn Văn Mạnh và Hạ sỹ Nguyễn Văn Huy bị sặc khói, nhưng đã được đồng đội kịp thời đưa đến bệnh viện cấp cứu. Ngay sau khi hồi sức, nóng lòng vì đám cháy chưa được dập tắt, Thượng úy Nguyễn Văn Mạnh đã quay trở lại hiện trường để tiếp tục sát cánh chiến đấu cùng đồng đội.
Sẵn sàng đối mặt hiểm nguy
Vụ cháy xảy ra tại Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông là vụ cháy lớn với diện tích 6.000m2 (trên tổng diện tích 54.000m2), diễn biến phức tạp, địa điểm cháy nằm trong khu vực đông dân cư, khu vực cháy có chứa nhiều hóa chất độc hại (trong đó có thủy ngân dùng để sản xuất bóng đèn). Nếu không có những phương án chữa cháy hợp lý thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng do các vật liệu, hóa chất có thể bị bay hơi, sau đó lắng lại trên mặt đất, thấm vào nguồn nước… rất nguy hiểm. May mắn là sau một đêm nỗ lực chiến đấu quả cảm với “giặc lửa”, đám cháy đã được lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH khống chế, dập tắt, không gây nguy hiểm cho các hộ dân cư sinh sống bên cạnh. Dù mệt mỏi, đau đớn, kiệt sức, nhưng nụ cười vẫn xuất hiện trên những khuôn mặt sạm đen vì khói của những người lính cứu hỏa.
Khi được hỏi, trong lúc nguy nan đó anh nghĩ gì, Thượng úy Nguyễn Văn Mạnh chỉ cười: “Khi ấy những người lính chúng tôi chẳng nghĩ được nhiều. Tất cả chỉ biết người còn thở là còn bám trụ, lửa còn cháy thì còn chiến đấu”.
Có thể nói, trên trận tuyến bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, dù nguy hiểm nhưng những chiến sỹ Cảnh sát PCCC & CNCH vẫn không ngại dấn thân khi trước mặt là “giặc lửa”, nguy nan cũng không khiến họ lùi bước mà chỉ thôi thúc thêm quyết tâm chiến thắng. Vì sự bình yên của nhân dân, họ sẵn sàng chiến đấu tới cùng với tinh thần, phẩm chất của người chiến sĩ Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Những chiếc xe màu đỏ hú còi lao vun vút trên đường phố, những người lính cứu hỏa biết rõ nơi họ sắp tới có “giặc lửa” đang hoành hành. Nhiệm vụ của họ không chỉ vật lộn với sự hung tàn của lửa mà còn tìm cách cứu người, cứu tài sản, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội… Câu chuyện về sự dũng cảm của Thượng úy Nguyễn Văn Mạnh chỉ là một trong rất nhiều điển hình của những người lính chữa cháy của CATP Hà Nội.