Chuyển động trong quan điểm về nhà giáo

12/07/2023, 16:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo và 5 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật.

Tuy không chính thức tuyên bố, nhưng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia, giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu.

Đặc biệt khi bước sang thế kỷ 21, trước các cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục được coi là nền tảng chuẩn bị cho thế hệ tương lai những năng lực cần thiết để sẵn sàng với những việc làm chưa hề có, ứng phó với những đổi mới công nghệ chưa từng biết đến. Chìa khóa mở cánh cửa giáo dục đó nằm trong tay nhà giáo và vì thế, nhà giáo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tiếp sau các khuyến nghị của UNESCO/ILO rất nhiều nghiên cứu khoa học về vai trò và tầm quan trọng của nhà giáo đã được các tổ chức quốc tế như OECD, WB, UIL, WEI, EI công bố.

Đáng quan tâm là Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về nghề dạy học được tổ chức thường niên, kể từ năm 2011 ở New York, để chia sẻ kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu khoa học về mọi khía cạnh liên quan đến nhà giáo, nghề dạy học đã góp phần làm rõ những quan điểm về nhà giáo mà mọi quốc gia có thể tham khảo, học tập.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết, về cơ bản các quan điểm đó là như sau:

Không có hệ thống giáo dục nào vượt qua được chất lượng đội ngũ nhà giáo trong hệ thống đó.

Chất lượng của một hệ thống giáo dục phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ nhà giáo; nhưng chất lượng của nhà giáo không thể vượt quá chất lượng của các chính sách định hình môi trường làm việc của họ trong trường và quy định cách thức lựa chọn, tuyển dụng và phát triển họ.

Tính đặc thù trong lao động của nhà giáo được nhận dạng theo phân loại sau về các nhiệm vụ. Nhiệm vụ đơn giản là nhiệm vụ mà việc thực thi dựa vào một lời giải hoặc quy trình đã có sẵn. Nhiệm vụ phức tạp là nhiệm vụ mà việc thực thi đòi hỏi nhiều công sức trong việc tìm lời giải, nhưng một khi lời giải đã tìm được thì có thể vận dụng thành công trong mọi trường hợp tương tự. Nhiệm vụ phức hợp là nhiệm vụ mà việc thực thi đòi hỏi luôn luôn tìm lời giải dù rằng các trường hợp là tương tự. Theo nghĩa đó, lao động nhà giáo là lao động phức hợp bởi lẽ việc giảng dạy thành công cho một học sinh nào đó, lớp học nào đó, không có gì bảo đảm để việc đó tiếp tục thành công cho học sinh khác, lớp học khác.

Nhà giáo trong các nhà trường công lập không chỉ là viên chức nhà nước mà còn là nguồn lực chủ yếu đóng góp vào thành công của giáo dục. Quản lý nhà giáo không chỉ theo mô hình quản lý nhân sự mà còn phải theo mô hình quản lý nguồn nhân lực.

Quản lý nhà giáo không thể quản lý như quản lý các nhân viên phòng thuế. Áp dụng tư duy đồng nhất và hàng loạt trong quản lý đội ngũ nhân lực quan trọng nhất của quốc gia sẽ dẫn đến một cơ chế xơ cứng, máy móc và vô cảm mà hậu quả là trói buộc tính chuyên nghiệp của nhà giáo, kìm hãm năng lực sáng tạo của họ, làm thui chột động lực và lòng yêu nghề của họ. Quản lý nhà giáo cần một khung pháp lý tinh tế và chuyên biệt, trong đó nhà giáo, cả công lập và tư thục, thấy được chính mình, nghề nghiệp của mình, sứ mệnh của mình, con đường thăng tiến của mình, có vậy mới đem lại sự thành công cho người học và sự hài lòng của xã hội.

Nhà giáo không chỉ là một phương tiện để thực hiện các mục tiêu giáo dục; nhà giáo chính là chìa khóa cho sự bền vững và năng lực quốc gia trong việc đạt được các chuẩn đầu ra của giáo dục và kiến tạo các xã hội dựa trên kiến thức, giá trị và đạo đức. Vì lý do này, vị thế nghề nghiệp của nhà giáo phải được đề cập đến như là một yếu tố chủ chốt của mục tiêu giáo dục .

Chỉ số vị thế nhà giáo đã đem lại bằng chứng học thuật cho cái mà chúng ta vẫn hiểu một cách bản năng: mối liên hệ giữa vị thế nhà giáo trong xã hội với kết quả học tập của học sinh trong trường. Giờ đây chúng ta có thể nói không chút do dự rằng tôn trọng nhà giáo không chỉ là một nghĩa vụ đạo đức quan trọng, nó còn là thiết yếu cho các chuẩn đầu ra của giáo dục một nước.

Hôm nay, mai sau và cả một thế hệ nữa, vị thế của nhà giáo gắn liền với vị thế của hệ thống giáo dục, với các điều kiện của người học và gia đình họ, và với tiến bộ toàn cầu trong phát triển bền vững.

Ngày 7/7/2023, tại Nghị quyết số 95/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2023, Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự cần thiết ban hành luật và 05 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm:

(1) Định danh nhà giáo; (2) Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; (3) Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; (4) Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; (5) Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-dong-trong-quan-diem-ve-nha-giao-post646465.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-dong-trong-quan-diem-ve-nha-giao-post646465.html
Bài liên quan
Quốc hội bắt đầu họp đợt 2, thảo luận về dự án Luật Nhà giáo, dự án đường sắt tốc độ cao
Nội dung mở đầu của đợt họp thứ 2, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là phiên toàn thể thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển động trong quan điểm về nhà giáo