Thạc sĩ Hoan cho rằng, sinh viên nên dành thời gian lắng nghe trạng thái cảm xúc của mình để có thể có những cách thức chăm sóc và điều hoà cảm xúc phù hợp. Các bạn có thể thực hiện việc này bằng cách trả lời 6 câu hỏi và cũng là các bước sau:
(1) Mình đang cảm thấy như thế nào?, (2) Cảm xúc ấy mạnh cỡ nào?, (3) Cảm xúc ấy nằm ở đâu trong cơ thể mình?, (4) Cảm xúc ấy đang muốn nói gì với mình?, (5) Mình cần làm gì bây giờ?, (6) Mình có thể đi một bước nhỏ nào để đến gần hơn với nhu cầu bản thân?
Khi nhận thấy mình đang có những cảm xúc khó chịu như cáu gắt, căng thẳng, lo lắng, trầm uất thì các bạn có thể thực hiện một vài hoạt động ưa thích để điều hoà cảm xúc như: vẽ một bức tranh, viết nhật ký, nghe nhạc, đọc sách, xem một bộ phim…
Đặc biệt, việc thực hành một số hoạt động chánh niệm (mindfulness) cũng được chứng minh là có khả năng giảm căng thẳng rất tốt. Một bài thực hành chánh niệm đơn giản là tập trung vào hơi thở của mình là cách mà các bạn có thể thực hiện.
Giữ kết nối xã hội với những người mà các bạn quan tâm và tin tưởng như bạn bè, người thân thông qua các phương tiện truyền thông. Bạn cũng có thể chia sẻ những cảm xúc hoặc tâm sự của mình với người mà bạn tin tưởng để tìm kiếm sự trợ giúp.
Chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, việc duy trì một lối sống lành mạnh, cân bằng là cần thiết cho sự ổn định và cải thiện của sức khoẻ tâm thần.
Ngoài ra, chuyên gia lấy ví dụ nhà nghiên cứu David Rock và Daniel Siegel cùng với các cộng sự đã phát triển thêm hướng dẫn về “Đĩa ăn tinh thần lành mạnh” (The healthy mind platter).
Hướng dẫn gồm 7 hoạt động mà cá nhân nên thực hiện để có tinh thần khoẻ mạnh: Ngủ đủ giấc, vận động thể chất, thời gian tập trung (thay vì làm nhiều việc cùng một lúc), thời gian tĩnh để tự chiêm nghiệm và phản tư, thời gian thư giãn để đầu óc không cần suy nghĩ và làm việc theo kế hoạch, thời gian vui chơi và thời gian kết nối.