Giá bán căn hộ tiếp tục đà tăng
Bà đánh giá như thế nào về sự biến động giá của thị trường căn hộ hiện nay?
Giá sơ cấp căn hộ tiếp tục tăng do nhu cầu lớn và nguồn cung hạn chế. Thời gian qua, tại thị trường Tp.HCM nguồn cung căn hộ cao cấp vẫn chiếm tỉ lệ lớn, vắng bóng các dự án trung cấp và bình dân. 96% nguồn cung mới của quý 3/2023 đến từ phân khúc cao cấp và 4% nguồn cung mới còn lại thuộc phân khúc hạng sang, từ giai đoạn tiếp theo của một dự án tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Điều này cũng cho thấy, sự không đa dạng trong nguồn hàng cũng thúc đẩy mặt bằng giá đi lên.
Giá bán sơ cấp của thị trường căn hộ Tp.HCM trong quý 3/2023 đạt 60,6 triệu đồng/m2 (tương đương hơn 2.500 USD/m2), tăng 4% theo quý và tăng 1,9% theo năm, chủ yếu do nguồn cung mới ở phân khúc hạng sang và cao cấp có điều chỉnh tăng giá.
Trong đó, nguồn cung mới thuộc phân khúc hạng sang, với số lượng căn mở bán hạn chế, tình trạng pháp lý minh bạch và vị trí đắc địa, có giá sơ cấp tăng 6% so với giai đoạn mở bán trước đó vào năm 2022. Tương tự, các chủ đầu tư ở phân khúc cao cấp cũng điều chỉnh tăng trung bình 3-4% so với giai đoạn mở bán năm trước, đi kèm nâng cấp sản phẩm, hỗ trợ lãi suất vay mua nhà và tiến độ thanh toán kéo dài và cam kết cho thuê.
Trên thị trường thứ cấp, giá trung bình đạt 45 triệu đồng/m2, tăng 2,6% so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi giá thứ cấp ở phân khúc hạng sang và bình dân gần như giữ nguyên so với quý 2. Mức tăng theo quý chủ yếu là do tăng giá thứ cấp ở phân khúc cao cấp và trung cấp khi người mua tìm kiếm các sản phẩm đã bàn giao với mức giá hợp lý hơn so với giá sơ cấp, đặc biệt là đối với các dự án kề cận trung tâm như quận Bình Thạnh, Tp.Thủ Đức, quận Bình Tân.
Khi nào thị trường căn hộ mới trở lại “thời hoàng kim” như giai đoạn 2019-2021, thưa bà?
Nguồn cung mới căn hộ chung cư dự kiến phục hồi trở lại từ năm 2024. Từ quý 4/2023 sang đến năm 2024, thị trường căn hộ chủ yếu đến từ các dự án ở phía Đông và phía Nam Tp.HCM. Chẳng hạn như một số dự án như FIATO Premier tại quận Thủ Đức (cũ), Salto Residence tại quận 2 (cũ), Flora Panorama thuộc Mizuki Park (Bình Chánh)...
Cùng với đó, các giao dịch sẽ hồi phục khi các yếu tố về kinh tế vĩ mô, pháp lý và niềm tin của người mua nhà cùng được cải thiện.
Đây vẫn là giai đoạn thử thách của thị trường bất động sản. Người mua nhà đang ở ranh giới chờ đợi và xem xét mức giá. Họ vẫn quan sát xem giá nhà còn giảm đến mức nào và chủ đầu tư ưu đãi ra sao. Đến giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024 khi người mua nhận thấy mức giá đã là “đáy” rồi, không giảm thêm nữa thì mới bắt đầu đi mua. Tôi vẫn luôn nói, đây là giai đoạn nhạy cảm của thị trường. Động thái bung sản phẩm ra thị trường hiện nay là sự nỗ lực tốt nhất của các chủ đầu tư.
Bà kỳ vọng gì với thị trường bất động sản trong thời gian tới?
Sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương tiếp tục là động lực thúc đẩy của thị trường nhà ở. Đặc biệt trong 8 tháng đầu năm 2023, có 67 dự án tại Tp.HCM (37,2% trong tổng số 180 dự án vướng pháp lý) đã được gỡ vướng về pháp lý, theo Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, về gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo các dự án chung cư cũ, đã có một dự án được chấp thuận vay vốn từ gói này, trong số 6 dự án đủ điều kiện tại Tp.HCM.
Mặc dù trong năm 2023 thị trường nhà ở vẫn còn khoảng cách lớn về nguồn cung và tỉ lệ hấp thụ so với các năm trước nhưng nhà đầu tư cũng không thể bỏ qua những tín hiệu tích cực của thị trường. Người mua hiện dần dễ dàng tiếp cận hơn với các khoản vay mua nhà khi nhiều ngân hàng đã công bố lãi suất thấp hơn trong quý 3/2023.
Ngoài ra, M&A và kêu gọi đầu tư từ các quỹ đầu tư đang giúp các chủ đầu tư tìm ra lối thoát cho các dự án chậm tiến độ do thiếu vốn.
Xin cảm ơn bà!