Giáo dục

Chuyên gia chỉ ra sai sót trong lựa chọn ngữ liệu đề thi, đề kiểm tra Ngữ văn

27/05/2024 07:38

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018 chỉ ra những sai sót trong lựa chọn ngữ liệu cho đề thi, đề kiểm tra Ngữ văn.

Có đổi mới nhưng không bất ngờ, bị động

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, cấu trúc và định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có đổi mới nhưng không bất ngờ vì có nhiều điểm kế thừa và việc chủ động đưa thông tin của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể, việc đánh giá theo năng lực đã được Bộ GD&ĐT nghiên cứu từ năm 2014, triển khai vào năm 2015 với Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Trong các kỳ thi này, đề thi Ngữ văn đã có 2 phần: đọc hiểu và viết; trong đó phần viết gồm câu nghị luận xã hội và câu nghị luận văn học.

Từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia (năm 2015), văn bản đọc hiểu trong các đề thi đã không có trong sách giáo khoa; câu nghị luận xã hội học sinh cũng không thể chép được văn mẫu. Lý do, người dạy và người học không thể biết đề ra vào văn bản nào và nghị luận xã hội về vấn đề gì.

Riêng câu nghị luận văn học vẫn chưa đổi mới được, vì vẫn thực hiện theo Chương trình GDPT 2006. Theo đó, đề thi chỉ loanh quanh mấy tác phẩm thơ văn học ở lớp 12. Các lò luyện thi rất dễ đoán được câu nghị luận văn học sẽ ra vào tác phẩm nào.

Từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, câu nghị luận văn học tiếp tục đổi mới. Điểm mới nhất chủ yếu tập trung vào yêu cầu viết nghị luận văn học với ngữ liệu mới (văn bản không có trong các sách giáo khoa).

Đó là một bước tiến lớn trong việc thi, kiểm tra ở môn Ngữ văn nhằm đánh giá theo năng lực, khuyến khích sự sáng tạo, động viên học sinh bày tỏ ý kiến riêng và góp phần khắc phục hiện tượng dạy tủ, học thuộc, chép văn mẫu... Kéo theo sự thay đổi này là cách dạy học, cách ôn luyện mới: cần dạy cách đọc, cách viết.

Bộ GD&ĐT cũng đã chủ động đưa thông tin về cấu trúc định dạng đề thi từ cuối năm 2013 và tiếp tục triển khai bồi dưỡng cốt cán về cách ra đề thi tốt nghiệp theo yêu cầu mới... Vì thế các nhà trường, giáo viên, học sinh không có gì bất ngờ, bị động.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống. Ảnh: Internet.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống. Ảnh: Internet.

Một số sai sót thường gặp trong lựa chọn ngữ liệu

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh: việc lựa chọn ngữ liệu mới (đúng, hay, phù hợp...) là một trong hai yếu tố quyết định chất lượng của một đề thi.

Thực tế triển khai chương trình, sách giáo khoa và kiểm tra đánh giá theo yêu cầu mới mấy năm qua cho thấy: các thầy cô giáo từ nhiều địa phương đã biên soạn được rất nhiều đề văn hay, sáng tạo, đáp ứng đúng yêu cầu đánh giá năng lực... Nhưng cũng không ít đề Văn còn nhiều sai sót, chưa chuẩn xác... Trong các sai sót đó có vấn đề lựa chọn văn bản ngữ liệu.

Dưới đây là một số dạng sai sót thường gặp về việc lựa chọn ngữ liệu cho đề kiểm tra- thi theo yêu cầu mới:

Không tiêu biểu cho giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ;

Không tiêu biểu cho thành tựu của văn học dân tộc ở các giai đoạn khác nhau;

Thể hiện chưa rõ tính nhân văn, giáo dục lòng nhân ái, khoan dung, tình yêu chân thiện mĩ, tình yêu thiên nhiên, tinh thần hội nhập quốc tế, hướng đến những giá trị phổ quát... (tính tư tưởng, tính giáo dục, tính thẩm mĩ...)

Văn bản trích không đúng loại/ thể loại mà chương trình quy định và học sinh đã học; hoặc văn bản không rõ đặc trưng thể loại (lưỡng phân), gây tranh cãi không cần thiết...;

Văn bản không chứa đựng các yếu tố tiêu biểu cho loại/thể loại cần đánh giá;

Nội dung văn bản không phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh.

Không hợp lý về dung lượng (độ dài ngữ liệu); dùng văn bản thơ dịch để hỏi về các yếu tố hình thức nghệ thuật; ghi nguồn trích dẫn không đúng quy cách...;

Ngữ liệu là đoạn trích (văn xuôi, kịch bản) từ một tác phẩm dài nhưng chưa có tóm tắt bối cảnh của đoạn trích, gây khó hiểu cho học sinh...;

Cung cấp thêm thông tin về tác giả, tác phẩm quá chi tiết, ít ý nghĩa và không giúp thêm được gì cho việc đọc hiểu văn bản trong đề;

Chưa có những chú thích cần thiết (từ ngữ khó) và thông tin có ý nghĩa về tác giả, hoàn cảnh ra đời để giúp học sinh hiểu văn bản hơn;

Câu chữ và hình thức trình bày văn bản được trích dẫn còn sai, thừa hoặc thiếu so với nguyên bản.

“Trên đây là một số sai sót về lựa chọn văn bản ngữ liệu có thể gặp trong khi biên soạn đề thi, kiểm tra đánh giá theo yêu cầu mới. Văn bản gồm cả cho phần đọc hiểu và cho yêu cầu viết (nghị luận xã hội, nghị luận văn học).

Một khi văn bản đã không tốt, không chuẩn thì các câu hỏi hoặc yêu cầu học sinh thực hiện không thể hay và tốt được. Việc này cũng giống như khó có thể chế biến được món ăn thơm ngon nếu nguyên liệu thịt, cá đã ôi, ươn...”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia chỉ ra sai sót trong lựa chọn ngữ liệu đề thi, đề kiểm tra Ngữ văn