Chuyên gia chia sẻ dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025

Hiếu Nguyễn (Thực hiện) | 17/04/2023, 10:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chuyên gia  lưu ý những việc cần sớm triển khai nếu thực hiện phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 như dự thảo...

- Quan điểm của tôi vẫn muốn kết quả thi tốt nghiệp THPT đủ độ tin cậy, thuận lợi để các trường đại học tin tưởng sử dụng xét tuyển. Do đó, mong rằng đề thi có tính phân loại nhất định. Đương nhiên, không thể kỳ vọng kết quả thi có thể đáp ứng tất cả các trường xét tuyển, nhưng về cơ bản có thể phục vụ khoảng 70% đã là rất tốt.

Trên thực tế, dù Kỳ thi tốt nghiệp THPT hay các kỳ thi riêng (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…) đều không thể phủ hết mong muốn của các trường. Đó là lý do, ở nước ngoài có kỳ thi đánh giá năng lực, nhưng đôi khi họ vẫn phỏng vấn nếu cần thiết để tìm thí sinh phù hợp với môi trường học thuật, động lực và khát vọng của thí sinh theo đuổi một ngành đào tạo.

Có thể nói, sẽ thuận lợi cho cả thí sinh và trường đại học nếu kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn được các trường đại học sử dụng xét tuyển. Kỳ thi riêng vẫn luôn tồn tại như một thực thể khách quan và phục vụ những ngành, trường nào thực sự có nhu cầu, đặc biệt đối với các trường yêu cầu đầu vào cao, cạnh tranh lớn, trường đào tạo ngành đặc thù…

Khi học sinh cũng như các trường đại học tham gia vào một sân chơi minh bạch, công bằng, sẽ tạo động lực cạnh tranh cho cả người thi và người tuyển, thu hút được những thí sinh chất lượng. Xu hướng của tuyển sinh đại học thời gian tới không còn tuyển đủ mà là tuyển đúng, tuyển được các thí sinh có chất lượng, khát khao học tập trong môi trường cạnh tranh và tự do học thuật.

Chuyên gia chia sẻ dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 ảnh 3

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: ITN

Công phu công tác chuẩn bị thi trên máy

- Theo dự thảo, giai đoạn sau 2030, phấn đấu khi tất cả các địa phương trên toàn quốc đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm. Theo ông, cần chuẩn bị những gì để có thể triển khai được việc này?

- Để có thể tổ chức thi trên máy cho cả triệu thí sinh trong cùng đợt thi là thách thức không nhỏ. Như Đại học Quốc gia Hà Nội, dù tổ chức thi trên máy với quy mô không quá lớn - khoảng 20 nghìn thí sinh/đợt thi và 100 nghìn thí sinh của cả kỳ thi nhưng đã rất vất vả.

Khi tổ chức thi trên máy, công tác chuẩn bị không chỉ đơn thuần là có đủ một triệu máy tính, mà còn nhân lực để triển khai, dữ liệu ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, hệ thống phần mềm và nhiều vấn đề khác. Đơn cử, cần phải có đội ngũ: Cán bộ làm thi thật sự, cán bộ thông tin, cán bộ hỗ trợ, cán bộ tư vấn, phục vụ…

Hệ thống phần mềm cũng không đơn giản. Ngay như phần mềm xét tuyển, lọc ảo, đăng ký thi tốt nghiệp xây dựng từ năm 2017 nhưng năm nào cũng phát sinh vấn đề, thường xuyên nâng cấp, dù đó mới chỉ là khâu “tiếp đón”, chưa động chạm đến quá trình tổ chức thi. Thi hoàn toàn trên máy tính đòi hỏi tính hệ thống, liên thông và toàn vẹn dữ liệu – đây là thử thách lớn.

Thông thường, trên thế giới, các cuộc thi diện rộng cùng một thời điểm vẫn tổ chức thi trên giấy nhưng với barem rất chuẩn. Còn thi trên máy diễn ra đồng loạt trên quy mô cả nước thì phải có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, từng bước thí điểm trước khi nhân rộng. Đây là công việc rất khó khăn, nhiều thách thức nếu thực hiện được trong thời gian ngắn.

Từ kinh nghiệm của Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi cho rằng, đầu tiên phải xây dựng một đầu bài chuẩn về thi trên máy; chuẩn hóa dữ liệu; phần mềm tổ chức quản lý thi, chấm thi, giám sát thi… phải đồng bộ, nhất quán ngay từ khi thiết kế. Ra được đầu bài này không đơn thuần là người làm công tác quản lý hay người làm công tác tổ chức thi.

Sau khi xây dựng, chúng ta phải có đội ngũ cán bộ CNTT về phần cứng, phần mềm để thử nghiệm, vận hành. Cần có thời gian đủ lớn mới có thể chuẩn bị được đội ngũ này. Máy móc có thể mua ngay, nhưng cán bộ không phải đào tạo ngay được, nhất là người phải vừa biết CNTT, vừa biết về quản lý đào tạo, đo lường và đảm bảo chất lượng, khảo thí.

Đồng thời, khi tổ chức thi trên máy thì ngân hàng câu hỏi phải đủ lớn, có tính chuẩn hóa. Để có được ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, từ xây dựng đến kiểm tra, thử nghiệm, phân tích, sàng lọc, loại bỏ… theo các bước cũng không thể nào hoàn thành trong thời gian ngắn. Cuối cùng là công tác chuẩn bị để có được đầy đủ trang thiết bị, máy tính, phần mềm...

- Cùng với những chia sẻ ở trên, ông có đóng góp ý kiến gì thêm để hoàn thiện cho dự thảo phương án?

- Về cơ bản, tôi thấy dự thảo phương án mới dừng ở mức độ đưa ra các môn thi và cách tiếp cận hiện nay là phù hợp với Chương trình GDPT tổng thể. Tuy nhiên, tôi mong muốn có thông tin cụ thể hơn về thời gian cho từng môn thi, thông tin về cấu trúc bài thi. Chúng ta cũng lưu ý, có thể xây dựng bài thi theo hướng tổ hợp hoặc tích hợp. Với việc thiết kế bài thi thích hợp, thí sinh không quá lo lắng việc học ít hay nhiều, áp lực hay không, nhiều môn thi hay ít môn mà hướng tới đánh giá năng lực học sinh.

Đơn cử phần kiến thức Văn học và Lịch sử có bắt buộc phải thành hai bài thi riêng biệt hay tổ hợp (hoặc tích hợp) trong một bài thi với khoảng thời gian nhất định. Có như vậy chúng ta sẽ giảm áp lực cho thí sinh và xã hội, đồng thời thực sự đánh giá được việc học thật, thi thật. Cách làm này rút ngắn được thời gian thi cho thí sinh mà vẫn đánh giá đầy đủ năng lực theo yêu cầu.

- Trân trọng cảm ơn GS.TS Nguyễn Tiến Thảo!

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-gia-chia-se-du-thao-phuong-an-thi-tot-nghiep-thpt-tu-2025-post634717.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-gia-chia-se-du-thao-phuong-an-thi-tot-nghiep-thpt-tu-2025-post634717.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia chia sẻ dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025