Các tên lửa như Kinzhal- tên lửa siêu thanh được thiết kế đặc biệt để tấn công các mục tiêu quan trọng và được bảo vệ nghiêm ngặt, đã trở thành mối lo ngại đối với Ukraine.
Ông David Shank, cựu chỉ huy Trường Pháp phòng không Lục quân Mỹ đã chia sẽ những lo ngại về lỗ hổng của các hệ thống Patriot trước các cuộc tấn công của Nga.
Theo ông Shank, một khẩu đội Patriot được trang bị đầy đủ các bệ phóng, thường bao gồm 6 đơn vị trở lên, cần triển khai 50-60 binh sĩ để thiết lập, sau đó là 25-30 binh sĩ để vận hành và bảo trì.
Ông Shank cho biết thêm hệ thống Patriot yêu cầu diện tích rộng khoảng 1 km2 để triển khai, khiến nó dễ bị ảnh hưởng bởi khả năng tình báo, giám sát và trinh sát của Nga.
Ông Shank còn nhấn mạnh khi radar của Patriot phát ra tín hiệu, nó sẽ tạo ra một dấu hiệu đáng kể, khiến nó dễ dàng bị khả năng tình báo tín hiệu của Nga nhận thấy.
Một tổ hợp Patriot tiêu chuẩn gồm radar mảng pha quét điện tử thụ động AN/MPQ-53 hoặc radar mảng pha tiên tiến hơn AN/MPQ-65. Hệ thống radar này rất có khả năng trở thành mục tiêu chính cho cuộc tấn công của Nga do tầm quan trọng của nó đối với hoạt động chung của tổ hợp Patriot.
Radar AN/MPQ-65 tìm kiếm, phát hiện, theo dõi và xác định các mục tiêu tiềm tàng. Ảnh: Staff Sgt. Christopher Ruano/ US Air Force
Bên cạnh đó, chuyên gia Shank lưu ý tầm quan trọng của việc quản lý phát xạ radar một cách chiến lược để tránh bị đối phương nhắm mục tiêu. Theo ông, việc phát ra liên tục hoặc có các kiểu hoạt động radar có thể dự đoán được có thể gây bất lợi cho hệ thống Patriot.
Để ngăn chặn điều này, ông Shank đề xuất triển khai mồi nhử có khả năng sao chép cùng một tín hiệu radar. Những mồi nhử này sẽ giúp gây nhầm lẫn và đánh lạc hướng các đối thủ tiềm năng, nâng cao chiến lược phòng thủ tổng thể bằng cách khiến chúng khó xác định vị trí thực tế của hệ thống Patriot.
Vị chuyên gia cũng thừa nhận thách thức của việc chỉ có hai khẩu đội Patriot tại Ukraine. Trước hạn chế này, ông Shank gợi ý một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Patriot.
Biện pháp thứ nhất là triển khai thời gian bức xạ xen kẽ, tức là bật và tắt radar theo định kỳ nhằm giảm thiểu rủi ro bị nhắm mục tiêu.
Biện pháp thứ hai là phát xạ đặc biệt trong các tình huống tấn công dự kiến, được hướng dẫn bởi thông tin tình báo kịp thời và chính xác, có thể nâng cao hơn nữa khả năng phòng thủ của hệ thống. Những chiến lược này nhằm tối ưu hóa nguồn lực hạn chế sẵn có và tối đa hóa hiệu quả của các tổ hợp Patriot trong việc chống lại các mối đe dọa tiềm tàng.
Ông Shank nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng mồi nhử để gây nhầm lẫn cho quân đội Nga về vị trí chính xác của Patriot.
Hơn nữa, chuyên gia Shank còn lưu ý tầm quan trọng của việc kết hợp các biện pháp phòng không thụ động như xây dựng boong-ke, sử dụng kỹ thuật ngụy trang hiệu quả, sử dụng mồi nhử và thực hiện các biện pháp sinh tồn.
Chuyên gia Shashank Joshi tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh thuộc ĐH King’s College London, đồng thời là BTV quốc phòng của Tạp chí The Economist, cũng đồng ý rằng việc dùng mồi nhử để chống lại việc phát hiện phát xạ vô tuyến là một chiến lược hiệu quả.
Ông Joshi cho rằng việc kết hợp các điểm tương đồng trực quan giữa mồi nhử và hệ thống thực tế cũng cần thiết để ngăn việc nhận dạng dễ dàng thông qua hệ thống cảm biến khác.
Phân tích của ông Joshi nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai mồi nhử toàn diện và thực tế để đánh lừa đối phương và nâng cao khả năng sống sót của hệ thống.
Với sự xuất hiện của hệ thống phòng thủ Patriot tại Ukraine, có khả năng Nga sẽ liên tục nhắm mục tiêu và phá hoại hệ thống này trong những tuần tới.