Theo các tiêu chuẩn chẩn đoán thì những người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường có 7 nhóm hành vi đặc trưng như sau:
Lặp đi lặp lại việc phạm các hành vi có thể dẫn đến bị bắt giữ và thể hiện sự không quan tâm đến luật pháp.
Hành động lừa dối thông qua các hành vi như nói dối liên tục, sử dụng tên giả, lợi dụng và lừa gạt người khác để thu lợi cá nhân hoặc giải trí.
Quyết định một cách bốc đồng hoặc hành động một cách bất ngờ, và không có kế hoạch cho các hành động trong tương lai.
Dễ bị kích động, và tham gia vào hành vi xô xát bằng cách đánh nhau hoặc tấn công cá nhân.
Thể hiện sự coi thường liều lĩnh đối với sự an toàn của bản thân hoặc người khác.
Liên tục thể hiện sự vô trách nhiệm mà không quan tâm đến hậu quả đối với bản thân hoặc người khác. Họ có thể đột ngột bỏ việc mà không có kế hoạch tìm công việc khác hoặc bỏ mặc các nghĩa vụ tài chính và/hoặc trách nhiệm cá nhân.
Thể hiện sự thiếu hối lỗi cho các hành động của mình và thờ ơ khi làm tổn thương người khác hoặc tạo ra các lý lẽ sai lệch để biện minh cho việc ngược đãi người khác.
Bên cạnh đó, hiện ở Việt Nam, sự yếu kém của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, sự kỳ thị của cộng đồng về bệnh tâm thần, không có mã nghề cho nhà tâm lý thực hành chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh trong trường học dẫn đến nhiều người bị tổn thương sức khỏe tâm thần nhưng bị bỏ qua không được sàng lọc, chăm chữa.
Những hành vi bạo lực bột phát có thể là hệ lụy của sự yếu kém trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cộng đồng, là hậu quả của bệnh tâm thần.
Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương giao lưu với học sinh Hà Nội về “Luật Giáo dục, Luật Trẻ em và các Quy định trong phòng, chống bạo lực học đường”. Ảnh Đăng Chung. |
Dưới góc độ học tập xã hội, PGS Trần Thành Nam cho biết,ở một số khu vực, trẻ em, đặc biệt là các em nam, được khuyến khích thực hiện hành vi xâm kích. Các em được dạy rằng phải đánh trả, không được chịu thua kẻ bắt nạt. Một số xã hội khác thì biến sự trả thù trở thành một điều được chấp nhận về mặt văn hoá và vì thế thường trừng phạt những ai không tuân theo.
Hơn nữa, game, môi trường mạng xã hội và truyền thông hiện nay cũng ngập tràn bạo lực, khiến trẻ nhầm tưởng bạo lực là điều phải làm ở những anh hùng.
Có thể nói việc tiếp xúc nhiều cảnh bạo lực ồ ạt trên TV, phim ảnh, Internet và video game trong một khoảng thời gian dài dẫn đến qui tắc ứng xử (đạo đức) và lý trí bị tê liệt. Người xem mất phản xạ kiềm chế khiến cho hành vi bạo lực xảy ra nhiều hơn và dễ dàng hơn.
Dưới góc độ quản lý xã hội, PGS Trần Thành Nam cho rằng, nhiều trường hợp thực hiện hành vi phạm tội dưới ảnh hưởng của các chất gây nghiện phổ biến trong đó có rượu, ma túy hoặc các chất cấm khác. Rượu cũng làm tăng mức độ nhạy cảm đối với những gì được coi là xúc phạm hay coi thường và thường góp phần tạo ra hành vi bạo lực thiếu kiểm soát
Mặc dù chúng ta đã có nghị định 100 hạn chế rất nhiều việc uống rượu khi lái xe nhưng vẫn thả nổi việc quản lý các chất có cồn đặc biệt đối với những người trẻ có thể là nguyên nhân gia tăng bạo lực. Do bia rượu được mua rất dễ dàng và lứa tuổi nào cũng có thể mua được.
Rất nhiều trường hợp cá nhân có hành vi bạo lực đẫm máu khi có hơi men. Cá nhân có hành vi đẫm máu là con nghiện. Để thỏa mãn thú vui nghiện ngập, nhiều cá nhân lún sâu hơn vào những áp lực tài chính để mua các chất gây nghiện. Áp lực này thường dẫn đến hành vi phạm tội.
Với nhiều trẻ, con đường duy nhất để trẻ cảm thấy kết nối, được chú ý, được cảm thấy mình có “uy” là hành vi phá phách, nghịch ngợm, làm người khác phiền lòng hoặc sợ hãi. Trẻ thà vi phạm nội quy để bị quát mắng, bị đánh đập để cảm thấy kết nối còn hơn là bị phớt lờ, bị bỏ mặc hoặc không ai quan tâm như thể không tồn tại trên đời. Những cảm xúc tiêu cực này bị đè nén sẽ bùng phát thành những hành vi bạo lực bột phát trong tương lai.