Chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt

03/05/2023, 14:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(NLĐO)- Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt gồm CBBank, OceanBank, GP Bank và DongABank

Việc nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng là một nội dung được quan tâm tại các đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của nhiều ngân hàng vừa diễn ra.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết Vietcombank đã xây dựng xong phương án nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém và trình lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chờ phê duyệt.

Lãnh đạo VPBank cũng báo cáo cổ đông về thông tin nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD yếu kém.

Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quân đội - MB cho biết ngân hàng đã chuẩn bị, xây dựng, báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại theo quy định và triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại đó. Tuy nhiên, danh tính ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc không được tiết lộ.

Đại hội đồng cổ đông HDBank đã thông qua những nội dung được cập nhật, sửa đổi, bổ sung phương án nhận chuyển giao bắt buộc theo tình hình thực tế và hướng dẫn, phê duyệt của cơ quan nhà nước; tiếp tục ủy quyền cho HĐQT thực hiện và hoàn tất các công việc liên quan bao gồm sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh nội dung cụ thể, quyết định, ký các văn bản… thực hiện các công việc liên quan đến HDBank nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng thương mại cổ phần.

Chú ý các nguy cơ chuyển nợ xấu

NHNN cũng đã tích cực chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng tài sản, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2022 ở mức 2%.

Trong tháng 2-2023, toàn hệ thống các TCTD xử lý được 21,3 ngàn tỉ đồng nợ xấu; trong đó xử lý nợ xấu chủ yếu thực hiện thông qua hình thức sử dụng dự phòng rủi ro (chiếm tỷ trọng 41% tổng nợ xấu xử lý) và khách hàng trả nợ (chiếm 48,8% tổng nợ xấu xử lý).

Bên cạnh việc xử lý nợ xấu nội bảng, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cũng đạt được kết quả tích cực. Lũy kế từ khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15-8-2017) đến cuối tháng 1-2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416 ngàn tỉ đồng nợ xấu.

Đến cuối tháng 2-2023, tỉ lệ nợ xấu nội bảng là 2,91% (tăng so với mức 2,46% vào cuối năm 2016; mức 1,49% vào cuối năm 2021 và mức 2 % vào cuối năm 2022).

Mặc dù theo báo cáo của các TCTD, tỉ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá, NHNN nhận thấy có một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng có nguy cơ chuyển nợ xấu (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...). Do đó, cần ghi nhận những khoản này để có giải pháp quản lý, xử lý nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuyển nợ xấu trong tương lai. Trên nguyên tắc đó, NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 2-2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.

Dương Ngọc

Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/kinh-te/chuyen-giao-bat-buoc-doi-voi-4-ngan-hang-duoc-kiem-soat-dac-biet-2023050314095387.htm
Copy Link
https://nld.com.vn/kinh-te/chuyen-giao-bat-buoc-doi-voi-4-ngan-hang-duoc-kiem-soat-dac-biet-2023050314095387.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt