Học trò cụ có hàng trăm người, nhiều người làm quan to như Hành khiển Phạm Sư Mạnh và Lê Quát, nhưng khi trở về làng thăm cụ cũng đều phải đứng khoanh tay hầu chuyện thầy. Các đời vua sau nghĩ đến nhân cách của một kẻ sĩ, một người thầy mẫu mực, đã cho thờ cụ trong nhà Văn miếu.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) nổi tiếng là vị quan trạng xuất sắc, có tầm nhìn xa trông rộng, từng dâng sớ lên vua Mạc hạch tội 18 kẻ lộng thần nhưng vua không nghe. Năm 1542, cụ từ quan về quê mở trường dạy học, trở thành thầy giáo nổi tiếng đương thời. Cụ cũng là thầy dạy của nhiều người nổi tiếng như: Nguyễn Quyện, Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ… Dù hiển đạt, làm quan to nhưng họ đều kính trọng và vẫn thường xuyên lui tới Am Bạch Vân thăm viếng thầy.
Năm 1522, nghe tin thầy học là Lương Đắc Bằng qua đời, Nguyễn Bỉnh Khiêm vượt quãng đường xa từ Hải Dương đến tận xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa để viếng tang. Sử sách chép rằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chịu tang thầy trong suốt ba năm trời.
Trường hợp Nguyễn Bỉnh Khiêm làm thầy học của Lương Hữu Khánh cũng khá thú vị, vì Khánh chính là con trai thầy học của cụ là Lương Đắc Bằng. Không ai thấy rõ tài năng và nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm hơn Lương Đắc Bằng nên vị Bảng nhãn họ Lương không ngần ngại giao con trai cho học trò dạy dỗ. Và quả nhiên, cụ đã không phụ lòng thầy học.
Năm 1538, Hữu Khánh đi thi Hội, đỗ thứ nhì nhưng bất phục nhà Mạc nên không dự tiếp kỳ thi Đình mà vào phủ An Trường xin quy thuận Trịnh Kiểm, người đang nắm mọi quyền hành của nhà Lê và được cử làm Thị lang. Trong suốt thời gian làm việc tại triều đình nhà Lê, cạnh vua Lê Anh Tông và chúa Trịnh Tùng, ông tỏ rõ là người nhiều mưu lược, lập nhiều công trạng trong cuộc chiến chống lại nhà Mạc, được thăng Binh bộ Thượng thư, tước Đạt Quận công.
Thời Nguyễn, cụ Võ Trường Toản cũng là một người thầy mẫu mực, sống ẩn dật, mở trường dạy học và học trò cụ nhiều người hiển đạt như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Phạm Đăng Hưng (làm quan đến chức Thượng thư). Dù hiển đạt, làm quan to nhưng học trò của cụ đều hết lòng tôn kính thầy.
Về những năm tháng dạy học trong đời cụ Võ, Hiệp biện Đại học sĩ Phan Thanh Giản nêu rõ trong bi văn soạn năm 1867, khắc trên mộ bia cụ tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre ngày nay: “Tiên sinh không ra làm quan nên đại khái không thấy được sự nghiệp.
Từ thuở tiên sinh lấy lối học nghĩa lý để giáo hóa, chẳng những đương thời đào tạo được nhiều bậc nhân tài, mà còn truyền thuật, giảng luận trau dồi về sau, tới nay dân gian trong sáu tỉnh Nam kỳ tỏ lòng trung nghĩa, cảm phát dám hi sinh đến tính mạng, xét ra tuy nhờ đức thân nhân của quân vương nhuần gội, cố kết nhân tâm, nhưng nếu không có công đức mở mang huấn dục của tiên sinh từ thuở trước thì làm sao có được nhân tâm như thế…”.
Nói đến Phan Thanh Giản, không thể không nhắc đến tinh thần tôn sư trọng đạo của cụ. Dù phẩm trật lên đến Hiệp biện Đại học sĩ, nhất phẩm triều đình, song mỗi khi đi kinh lý gần quê nhà thầy học cũ, cụ vẫn luôn kêu lính khiêng võng ghé lại thăm thầy. Võng còn ở cách nhà thầy một quãng khá xa, cụ đã bước xuống, đi bộ vào nhà thầy vấn an.
Ngay cả vua, cũng hết lòng tôn kính người dạy mình học. Đầu tháng 11/1888, sau hơn ba năm sống gian khổ giữa rừng thiêng nước độc ở Quảng Bình để nêu cao ngọn cờ Cần Vương, vua Hàm Nghi sa vào tay giặc Pháp. Trong những ngày bị áp giải về cửa Thuận An, ông nhất mực không chịu nhận mình là vua. Nhưng bữa nọ, trong đám đông đứng hai bên đường, nhà vua nhác thấy bóng dáng người thầy học, liền vội vàng nghiêng mình kính cẩn cúi đầu chào, thà để lộ chân tướng đang cố tình giấu giếm hơn là thất lễ với thầy học cũ. Qua đó mới thấy, tình nghĩa thầy trò ngày xưa sâu đậm biết bao.
Tình thầy trò ngày xưa không chỉ thể hiện ở phương Đông. Sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự bị (xuất bản năm 1935), bài số 51: Học trò biết ơn thầy có kể câu chuyện như sau: Ông Carnot xưa là một ông quan to nước Pháp, một hôm nhân lúc rảnh việc về chơi quê nhà. Khi ông đi ngang qua tràng (trường) học ở làng, trông thấy ông thầy dạy mình lúc bé, bấy giờ đã đầu tóc bạc phơ, đang ngồi trong lớp dạy học.
Ông ghé vào thăm tràng và chạy ngay lại trước mặt thầy giáo, chào hỏi lễ phép mà rằng: “Tôi là Carnot, thầy còn nhớ tôi không?”. Rồi ông ngoảnh lại khuyên bảo học trò rằng:“Ta bình sanh, nhất là ơn cha, ơn mẹ ta, sau ơn thầy ta đây, vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay”.
____________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Việt Nam văn học sử yếu – Dương Quảng Hàm (NXB Văn học - 2019).
Vũ Trung tùy bút – Phạm Đình Hổ (NXB Trẻ và NXB Hồng Bàng - 2012).
Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn – Lê Nguyễn (NXB Hồng Đức - 2020).