Ba cuộc gặp đã được lên lịch giữa Thủ tướng Modi Narendra và Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng như với phó Tổng thống Kamala Harris và Ngoại trưởng Antony Blinken.
Đối thoại dự kiến sẽ tập trung vào việc củng cố hơn nữa mối quan hệ sản xuất và quốc phòng vốn đang ngày càng phát triển giữa Mỹ và Ấn Độ. Theo Hãng tin Reuters, Ấn Độ đang tiến gần hơn đến việc mua hơn 20 máy bay không người lái được trang bị vũ khí do Mỹ sản xuất trị giá từ 2 đến 3 tỷ đôla nhằm tăng cường giám sát biên giới và cải thiện các hoạt động tình báo chống khủng bố. Chính quyền Mỹ tin rằng đây là một lộ trình tham vọng cho sự hợp tác giữa Ấn Độ và Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn, viễn thông thế hệ tiếp theo, trí tuệ nhân tạo và quốc phòng.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nhấn mạnh: "Ngày nay, quan hệ đối tác Ấn Độ-Mỹ là nền tảng của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở và mối quan hệ ngày càng sâu sắc của chúng ta cho thấy đổi mới công nghệ và hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa hai cường quốc có thể trở thành động lực vì lợi ích toàn cầu như thế nào. Chúng tôi đã thiết lập một lộ trình đầy tham vọng cho hợp tác công nghiệp quốc phòng."
Đối với Ấn Độ, các thoả thuận thành công với Mỹ sẽ tăng cường khả năng sức mạnh cứng của đất nước và biến nước này thành một trung tâm của sự đổi mới.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ đã thay đổi theo những cách đáng chú ý trong những năm qua. Sau giai đoạn lạnh nhạt trước năm 2000, chính quyền Mỹ từ thời Tổng thống Bill Clinton đến Tổng thống Donal Trump đã nỗ lực xây dựng mối quan hệ bền chặt với Ấn Độ, nhận ra tiềm năng trở thành đối tác chiến lược trong việc đảm bảo an ninh của khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
Năm 2005, Ấn Độ và Mỹ đã ký một thỏa thuận hạt nhân lớn và gần đây nhất, sự tham gia của Ấn Độ vào “Bộ Tứ Kim Cương”, một liên minh an ninh giữa Mỹ và các đồng minh gồm Australia, Nhật Bản và Ấn Độ, đã đưa nước này trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược quốc phòng của Mỹ./.